“Người trung chuyển’ yêu thương”

TTO – Từ đợt dịch bùng phát đầu tiên ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) cho đến Hải Dương, Quảng Ninh và nay là Bắc Ninh, Bắc Giang, có một chàng trai trẻ vẫn luôn miệt mài làm “người trung chuyển” yêu thương đến lực lượng tuyến đầu, bà con ở vùng tâm dịch.

Trên Facebook những ngày qua, chàng trai Nguyễn Xuân Trường (25 tuổi, trưởng nhóm Ước mơ cho em, phó ban thường trực Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực phía Bắc) cùng nhóm bạn trẻ ở thủ đô tích cực đăng tải thông tin về việc hỗ trợ khẩn tiêu thụ mận cho bà con Sơn La đang gặp khó về đầu ra trong bối cảnh dịch COVID-19.

“Toàn bộ lợi nhuận sau khi hỗ trợ tiêu thụ mận, chúng tôi sẽ chuyển vào quỹ chương trình “Bắc Giang – Hướng về phía mặt trời” mua nhu yếu phẩm, nước uống, đồ dùng thiết yếu hỗ trợ tỉnh Bắc Giang phòng chống dịch COVID-19″ – Trường chia sẻ.

Vận hành “mắt xích” tình nguyện

Dịch COVID-19 xảy đến, ở những vùng dịch xe khách “đóng băng”, Trường đóng vai trò như “người trung chuyển” kết nối yêu thương từ khắp mọi miền. Với hơn 50 câu lạc bộ (CLB) trực thuộc

Mạng lưới tình nguyện quốc gia khu vực phía Bắc, Trường cho biết trong đợt dịch có khoảng 20 CLB cùng tham gia hỗ trợ khẩn cấp cho lực lượng tuyến đầu, cho bà con vùng tâm dịch.

Tại các tỉnh, huyện có dịch bùng phát, đều có một CLB trực thuộc mạng lưới như một “mắt xích” quan trọng cung cấp thông tin tình hình thực tế, nhu cầu chi viện ở địa phương.

“Nhiệm vụ của mình là kết nối, định hướng hoạt động của mạng lưới, trong dịch chúng mình kết nối với nhau qua mạng xã hội.

Thông thường từ đầu tuần, CLB ở vùng tâm dịch sẽ cập nhật liên tục về nhu cầu chi viện tại đó, đến thứ tư các CLB sẽ liệt kê ra những nhu yếu phẩm kêu gọi được, và đến cuối tuần hàng hóa, nhu yếu phẩm sẽ được chuyển đến tận nơi cho CLB trực thuộc ở tâm dịch phân bổ đến các địa phương. Bây giờ mọi việc đã “vào guồng” nên vận hành trơn tru” – Trường chia sẻ “quy trình vận hành” của mạng lưới trong bối cảnh dịch.

Mấy ngày qua ở tâm dịch Bắc Giang, nhận thấy nông sản đến mùa thu hoạch mà nhiều hộ gia đình đang phải đi cách ly không thể thu hoạch được, Trường cùng nhóm bạn trẻ đứng ra kêu gọi thu mua nông sản cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, các CLB trực thuộc còn tỏa đi kêu gọi nguồn lực khắp nơi triển khai khoảng 20 đợt hàng chi viện cho Bắc Giang.

Trước đó từ đầu đợt dịch thứ tư, Hà Nam là nơi bùng phát dịch, người ta cũng thấy Trường kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ nông sản như bí xanh, dưa hấu. Dịp tết khi dịch xảy đến ở Hải Dương, Quảng Ninh, chàng trai trẻ cũng điều phối mạng lưới cùng dốc sức làm tấm chắn giọt bắn, hỗ trợ khẩu trang N95, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, máy đo thân nhiệt cầm tay.

Bên cạnh hỗ trợ tiêu thụ nông sản, một trong những “sản phẩm chống dịch” hiệu quả nhất được Trường cùng nhóm bạn trẻ tích cực triển khai từ suốt mấy mùa dịch đến nay là làm mũ chắn giọt bắn hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch.

“Ban đầu nhóm cũng đắn đo không biết có nên làm hay không, về sau thấy mũ chắn giọt bắn dù nhỏ bé nhưng kết hợp với khẩu trang thì phòng dịch rất hiệu quả. Sau khi gửi tặng đến các đơn vị, lực lượng tuyến đầu, mũ chắn giọt bắn được đánh giá hỗ trợ rất thiết thực là động lực để chúng tôi tiếp tục triển khai hoạt động này”, Trường cho biết.

“Mâm cơm” góp từ yêu thương

Được tín nhiệm và tin tưởng, với vai trò là người kết nối, Nguyễn Xuân Trường nhanh chóng “vận chuyển yêu thương” từ khắp mọi người đến vùng tâm dịch trong lúc cần kíp.

Trường cho biết ngay khi nhận yêu cầu chi viện, bạn sẽ điều phối các CLB trong mạng lưới chung tay góp sức. Chẳng hạn với lời kêu gọi góp khẩu trang N95 cho bệnh viện dã chiến, mỗi CLB chỉ cần kêu gọi các nhà hảo tâm, đơn vị hỗ trợ được khoảng 100 chiếc thì với 10 CLB sẽ có 1.000 chiếc khẩu trang N95, hay có nhóm kêu gọi hỗ trợ nước rửa tay sát khuẩn, găng tay, đồ dùng thiết yếu, nhu yếu phẩm cần thiết.

“Tất cả hòa quyện với nhau vào một “trạm trung chuyển”, sau đó bốc xếp, phân chia theo nhu cầu chi viện của từng địa phương. Như một mâm cơm người có rau, có thịt, mỗi người góp vào một ít sẽ có một mâm cơm đủ đầy” – Trường giãi bày.

Đang làm công việc marketing tại Hà Nội, hằng ngày chàng trai trẻ vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian điều phối mạng lưới, hỗ trợ các tình nguyện viên trong nhóm để kịp thời cập nhật thông tin cần chi viện từ vùng dịch.

“Cảm động nhất là hình ảnh cụ già đạp xe mang từng mớ rau đến tặng lực lượng tuyến đầu ở khu cách ly, cốc nước chanh, nước đường gửi đến chốt phòng chống dịch, hay đội ngũ y bác sĩ trẻ xung phong vào tuyến đầu đang ngày đêm chống dịch trong tiết trời nắng nóng. Phát huy tinh thần tuổi trẻ “việc gì khó có thanh niên”, chúng mình kêu gọi cộng đồng với tinh thần “của ít lòng nhiều”, chung tay góp sức đẩy lùi dịch bệnh” – Trường bày tỏ.

Các trao đổi mới nhất