Đề cương tuyên truyền năm APEC Việt Nam – Tuần lễ cấp cao APEC 2017

I. TỔNG QUAN V APEC

1. APEC và các thành viên

1.1- Mục tiêu nhiệm vụ

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu ở khu vực, với mục tiêu chủ yếu là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một Cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật và thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể, thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp.

1.2- Lịch sử hình thành và các thành viên

Ý tưởng về APEC lần đầu tiên đề cập công khai trong diễn văn của Thủ tướng Ốt-xtrây-lia Bob Hawke tại Xê-un, Hàn Quốc vào ngày 31/01/1989. Mười tháng sau đó, 12 nền kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương đã nhóm họp ở cấp Bộ trưởng tại Can-bơ-rơ, Ốt-xtrây-lia để hình thành APEC. Các thành viên sáng lập gồm: Ốt-xtrây-lia, Nhật Bản, Bru-nây, Ca-na-đa, In-đô-nê-xia, Hàn Quốc, Ma- lai-xia, Niu Di-lân, Phi-líp-pin, Xinh-ga-po, Thái Lan và Hoa Kỳ.

Trung Quốc, Hồng Kông – Trung Quốc và Đài Bắc – Trung Hoa tham gia APEC tháng 11 năm 1991. Tháng 11 năm 1993 có thêm Mê-hi-cô và Pa-poa Niu Ghi-nê tham gia. Chi-lê gia nhập APEC tháng 11 năm 1994. Đến tháng 11 năm 1998, Pê-ru, Nga và Việt Nam đã tham gia, đưa tổng số thành viên của Diễn đàn lên 21. Từ năm 1989 đến năm 1992, APEC tổ chức các cuộc đối thoại không chính thức ở cấp các quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng. Năm 1993, theo sáng kiến của Nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, APEC đã thống nhất tổ chức Hội nghị đầu tiên của các Nhà lãnh đạo kinh tế hàng năm nhằm xác lập các tầm nhìn và định hướng chiến lược cho hợp tác khu vực.

2. Mục tiêu hoạt động và các trụ cột hợp tác

2.1- Mục tiêu hoạt động

- Duy trì tăng trưởng và phát triển vì lợi ích chung của khu vực, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển toàn cầu.

- Thúc đẩy trao đổi hàng hóa, đầu tư, dịch vụ và công nghệ trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

- Củng cố hệ thống thương mại đa phương mở, không phân biệt đối xử, vì lợi ích của Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới.

- Cắt giảm rào cản thương mại, đầu tư giữa các thành viên, phù hợp với các nguyên tắc của GATT/VTO.

2.2- Các trụ cột hợp tác

- Tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua cắt giảm và xóa bỏ dần các rào cản thuế quan và phi thuế.

- Thuận lợi hóa kinh doanh, thông qua giảm chi phí sản xuất và giao dịch kinh doanh, tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng cơ hội kinh doanh, thúc đẩy thương mại và tạo việc làm.

- Hợp tác kinh tế – kỹ thuật, nhằm phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực các nền kinh tế thành viên, thúc đẩy phát triển bình đẳng, bao trùm, cân bằng, bền vững, sáng tạo.

3. Nguyên tắc hoạt động

APEC là diễn đàn mở, hoạt động theo các nguyên tắc cùng có lợi, đồng thuận và tự nguyện. APEC nhấn mạnh các quan tâm, lợi ích chung của các thành viên, coi trọng hợp tác và phát triển. Các thoả thuận của APEC được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên. Hoạt động của APEC được điều tiết bởi 9 nguyên tắc cơ bản sau: (1)Toàn diện; (2) Phù hợp với GATT/WTO (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại); (3) Đảm bảo mối tương đồng; (4) Không phân biệt đối xử; (5) Đảm bảo công khai; (6) Lấy mức bảo hộ hiện tại làm mốc; (7) Cùng bắt đầu, quá trình liên tục và thời gian biểu khác nhau; (8) Có sự linh hoạt; (9) Hợp tác Kỹ thuật.

4. Cơ cấu tổ chức

Tuy hình thức là một diễn đàn họp tác kinh tế khu vực mở, nhưng APEC có một cơ chế tổ chức và hoạt động khá chặt chẽ. APEC có trụ sở Ban Thư ký, có Giám đốc điều hành Ban Thư ký, cùng các Ủy ban, Tiểu ban và các Nhóm công tác chuyên môn được thành lập trong từng lĩnh vực hoạt động cụ thể.

Cấp hoạch định chính sách bao gồm: Hội nghị các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC; Các Hội nghị Bộ trưởng; Hội nghị các quan chức cấp cao; Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC.

Cấp làm việc bao gồm: Ủy ban; Tiếu ban chuyên môn; Nhóm công tác chuyên ngành và Nhóm đặc trách; Các mạng lưới, diễn đàn, đối thoại.

5. Một số thành tựu nổi bật

Trong gần 30 năm hình thành và phát triển, APEC đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như đưa Châu Á – Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, đại diện 39% dân số, 57% GDP và 49% thương mại thế giới; góp phần tích cực nâng cao năng lực hội nhập, liên kết của các nền kinh tế thành viên đang phát triển, đồng thời góp phần vào sự phát triển và liên kết kinh tế của Châu Á – Thái Bình Dương. APEC đã triển khai hơn 1.600 dự án nâng cao năng lực trị giá 23 triệu USD. Hằng năm APEC triển khai khoảng 150 dự án.

APEC đi đầu thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế thương mại và đầu tư khu vực, góp phần cắt giảm các rào cản thương mại và đầu tư. Tiên phong trong việc đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, cải cách cơ cấu, hợp tác trong các vấn đề thương mại, đầu tư thế hệ mới, kết nối, liên kết các chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, thương mại dịch vụ, góp phần hình thành và điều phối các thỏa thuận, các khu vực thương mại tự do như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Cộng đồng ASEAN, Liên minh Thái Bình Dương…, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn Châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Đóng góp quan trọng vào việc củng cố hệ thống thương mại đa phương và xử lý các vấn đề toàn cầu.

II. VIỆT NAM VỚI APEC

1. Việt Nam tham gia Diễn đàn APEC

Tháng 11 năm 1998, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Diễn đàn APEC. Trong gần 20 năm qua, diễn đàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam. Diễn đàn APEC hội tụ hầu hết các đối tác hàng đầu của Việt Nam về chiến lược, kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, công nghệ, viện trợ phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. 17 thành viên APEC là các đối tác FTA của Việt Nam, gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a, Xinh-ga-po, Phi-líp-pin, Thái Lan, Ốt-xtrây-lia, Niu Di-lân và Chi-lê; 18 thành viên APEC là các đối tác FTA của Việt Nam; 7 trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là các nền kinh tế thành viên APEC, gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông – Trung Quốc, Ma-lai-xi-a và Xinh-ga-po.

2. Năm APEC Việt Nam 2017 và những kỳ vọng của Việt Nam

Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực và có trách nhiệm của Diễn đàn APEC. Năm 2006, lần đầu tiên đảm nhận trọng trách chủ nhà APEC, tổ chức thành công hàng trăm hoạt động mà trọng tâm là Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 14 và đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 họp ngày 05-07/10/2013 ở Bali, Inđônêxia, các nền kinh tế thành viên đã nhất trí ủng hộ Việt Nam tổ chức Năm APEC 2017. Điều này thể hiện sự tin cậy và tín nhiệm cao của các nền kinh tế thành viên đối với nước ta. Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công Năm APEC 2006, việc một lần nữa đăng cai Năm APEC là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với Diễn đàn nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới. Năm APEC 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn (1998-2018).

Cùng với việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021 cũng như nỗ lực hoàn tất các cam kết gia nhập WTO vào năm 2018, Năm APEC 2017 khẳng định quyết tâm của Việt Nam tiếp tục đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện. Việc đăng cai Năm APEC 2017 còn giúp nước ta có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của APEC phục vụ việc hoàn tất các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước.

Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016), việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng. Với ý nghĩa đó, Việt Nam có bốn kỳ vọng lớn:

- Thứ nhất, Việt Nam có thể đóng góp thiết thực vào sự phát triển của tiến trình APEC, làm cho hợp tác APEC thực chất và có hiệu quả hơn. Trước những thách thức đan xen đối với phát triển, APEC cần tìm kiếm động lực mới thúc đấy tăng trưởng bền vững và làm sâu rộng liên kết, kết nối khu vực. Trong đó, then chôt là việc hoàn tất các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại – đầu tư vào năm 2020.

- Thứ hai, kết quả hoạt động của năm 2017 tiếp tục nâng cao vị thế APEC là diễn đàn hợp tác kinh tế hàng đầu, tiên phong khởi xướng và hình thành liên kết khu vực sâu rộng hơn cũng như thúc đẩy xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Châu Á – Thái Bình Dương và thế giới. Điều này có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị cho APEC bước vào thập niên phát triển thứ tư.

- Thứ ba, thông qua Năm APEC 2017 để tăng cường tình hữu nghị, làm sâu sắc quan hệ đối tác với các nền kinh tế thành viên hiện là những trung tâm kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện kết nối, thiết lập các mối quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới.

- Thứ tư, quảng bá rộng rãi hơn hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, năng động, giàu tiềm năng và tích cực hội nhập; mang lại những cơ hội phát triến, quảng bá, giao lưu cho các vùng miền, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp Việt Nam có thêm điều kiện học hỏi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và hiểu biết về Diễn đàn APEC.

3. Ý nghĩa của chủ đề Năm APEC Việt Nam 2017

Chủ đề của Năm APEC Việt Nam 2017 là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Đề xuất của Việt Nam nhận được sự ủng hộ của tất cả các nền kinh tế thành viên, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia hàng đầu khu vực. Ý nghĩa chủ đề thể hiện trên ba khía cạnh:

- Thứ nhất, phản ánh sự quan tâm chung của các nền kinh tế thành viên APEC về tìm kiếm “động lực mới” cho hội nhập, liên kết và tăng trưởng kinh tế của Châu Á – Thái Bình Dương.

- Thứ hai, thể hiện mẫu số chung, mục tiêu dài hạn của APEC và Châu Á – Thái Bình Dương về “vun đắp một tương lai chung”, đó là hòa bình, ốn định, phát triển và thịnh vượng.

- Thứ ba, thể hiện kỳ vọng về những phát triển mới của APEC trong năm 2017, góp phần khẳng định vị thể của Diễn đàn trong cục diện mới.

4. Các ưu tiên chính của Năm APEC Việt Nam 2017

Để cụ thể hóa chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, Việt Nam đã đề xuất bốn hướng ưu tiên lớn sau:

- Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.

- Thứ hai, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng.

- Thứ ba, nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong kỷ nguyên số.

- Thứ tư, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Những trọng tâm trên là nhằm đáp ứng nhu cầu chung về khôi phục đà tăng trưởng và liên kết sâu rộng ở khu vực, góp phần hoàn tất các Mục tiêu Bogor và thực hiện Chương trình nghị sự của Liên họp quốc về phát triển bền vững đến năm 2030.

5. Công tác chuẩn bị của Việt Nam cho việc tổ chức Năm APEC Việt Nam 2017

Là chủ nhà, Việt Nam dự kiến sẽ đón hàng chục nghìn đại biểu và tổ chức khoảng 200 sự kiện lớn nhỏ của APEC trên khắp cả nước trong năm 2017, đồng thời chủ trì hoạt động của nhiều Ủy ban, Nhóm công tác từ năm 2016 đến năm 2018. Hợp tác của APEC cũng đang chuyển mình sang một giai đoạn mới, với hợp tác và liên kết sâu rộng hơn. Vì vậy, việc lần thứ hai tổ chức Năm APEC càng đòi hỏi công tác chuẩn bị triển khai sớm, chu đáo và đồng bộ mọi mặt: nội dung, chính sách, tuyên truyền, văn hóa, lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, công tác vận động quốc tế và xây dựng bộ máy tổ chức.

Công tác chuẩn bị nội dung phải bảo đảm các đề xuất về chủ đề, ưu tiên và các ý tưởng, sáng kiến vừa phù hợp với quan tâm chung, vừa đáp ứng lợi ích lớn của Việt Nam và ASEAN, thể hiện khả năng đóng góp cao hơn của Việt Nam. Việc sớm tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ của các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế là rất cần thiết để tạo sự đồng thuận chung.

Công tác tổ chức, nhất là về cơ sở vật chất, hậu cần, văn hóa và truyền thông, lễ tân, an ninh, y tế… cần tương xứng với thế và lực mới của nước ta. Sự chủ động tham gia của các tỉnh thành được lựa chọn tổ chức các sự kiện APEC là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm các sự kiện diễn ra thành công.

Nhân tố then chốt là xây dựng bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, trong đó Ủy ban Quốc gia APEC 2017 có vai trò chỉ đạo, điều phối. Việc tổ chức các hoạt động APEC đòi hỏi cần có đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp, báo chí, tình nguyện viên, đội ngũ phục vụ… đủ năng lực, có kỹ năng và tâm huyết.

6. Những sự kiện lớn của Năm APEC Việt Nam 2017

Theo thông lệ và với mong muốn đóng góp tích cực cho họp tác APEC, Việt Nam sẽ tổ chức khoảng 20 hội nghị lớn trên khắp ba miền đất nước.

6.1- Sự kiện đã và đang triển khai

- Hội nghị không chính thức của các quan chức cao cấp (ISOM) từ ngày 08-09/12/2016 tại thủ đô Hà Nội.

- Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ nhất (SOM 1) và các cuộc họp liên quan từ ngày 18/2 – 03/3/2017 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

- Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ hai (SOM 2) và các cuộc họp liên quan từ ngày 07 – 18/5/2017 tại thủ đô Hà Nội.

- Đối thoại chính sách cao cấp về đào tạo nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số từ ngày 12 – 15/5/2017 tại thủ đô Hà Nội.

- Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại (MRT) từ ngày 20- 21/5/2017 tại thủ đô Hà Nội.

- Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững từ ngày 20-22/6/2017 tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

- Đối thoại chính sách cao cấp về an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu từ ngày 21 – 25/8/2017 tại thành phố cần Thơ.

- Hội nghị các quan chức cấp cao lần thứ ba (SOM 3) và các cuộc họp liên quan từ ngày 15 – 30/8/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

6.2  Sự kiện chưa triển khai

- Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC (SMEMM) từ ngày 11-15/9/2017 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế từ ngày 20-29/9/2017 tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) từ ngày 19-21/10/2017 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

- Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng là sự kiện lớn nhất, với các hội nghị quan chức cao cấp, cấp Bộ trưởng và cấp cao sẽ tố chức từ ngày 05-11/11/2017 tại Thành phố Đà Nằng.

7. Các cơ hội của Năm APEC Việt Nam 2017 đối với các địa phương, doanh nghiệp

Các hoạt động phong phú của APEC sẽ diễn ra trên khắp cả nước và trong suốt năm 2017 là những cơ hội lớn để các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh, kết nối, hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm vùng miền với các đối tác then chốt và các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Với sự chuẩn bị chu đáo, các tỉnh thành có thể tranh thủ nhiều hơn tiềm năng to lớn về thị trường, tài chính, công nghệ của APEC; gặp gỡ lãnh đạo, quan chức và các tập đoàn khu vực để tìm kiếm đối tác đầu tư, đối tác chiến lược, ký kết thoả thuận hợp tác… Qua tham gia, đóng góp tổ chức các sự kiện, nhận thức và kỹ năng hội nhập của cán bộ, doanh nghiệp và người dân có điều kiện nâng cao, góp phần hình thành văn hóa hội nhập của địa phương.

8. Đóng góp của các doanh nghiệp Việt Nam vào thành công của Năm APEC Việt Nam 2017

Đóng góp của các doanh nghiệp là rất quan trọng để góp phần tạo dấu ấn Việt Nam cho Năm APEC Việt Nam 2017, thông qua nhiều hình thức:

- Trước hết là thông qua phát huy vai trò trong các hoạt động của doanh nghiệp APEC mà nước ta tổ chức, và ở tầm cao hơn là đóng góp, đề xuất ý tưởng thúc đẩy họp tác APEC. Quan trọng nhất là tham gia, đóng góp vào thành công của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit), các cuộc họp của Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC), Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và các thành viên ABAC, các đối thoại công tư giữa các nhóm công tác chuyên ngành APEC với các doanh nghiệp. Việt Nam hiện là đồng Chủ tịch của ABAC năm 2016 và đảm nhận vai trò Chủ tịch ABAC năm 2017.

- Góp phần làm cho các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC trong năm 2017 đạt kết quả thiết thực, tham gia ký kết thoả thuận, hợp đồng, tọa đàm, kết nối doanh nghiệp…

- Phát huy vai trò năng động, sáng tạo trong quảng bá tiềm năng mới của đất nước, địa phương và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh doanh, hoạt động du lịch,…

9. Đóng góp của người dân vào thành công chung của Năm APEC Việt Nam 2017

Năm 2017, Việt Nam sẽ đón tiếp, gặp gỡ hàng chục nghìn đại biểu, doanh nghiệp, phóng viên từ các nền kinh tế thành viên APEC. Đây vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm của người dân. Để góp phần vào thành công Năm APEC Việt Nam 2017, mỗi người dân cần ứng xử văn minh, chào đón hoà nhã, thân thiện; gìn giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp để giúp bạn bè quốc tế cảm nhận được những nét đẹp của nền văn hiến và con người Việt Nam. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập của nước ta trong giai đoạn phát triển mới.

III. Đà Nẵng và Năm APEC 2017

1. Quyết định lựa chọn thành phố Đà Nẵng là địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Là một trung tâm kinh tế năng động của cả nước, thành phố Đà Nẵng đã được lựa chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 với nhiều sự kiện quan trọng. Không chỉ hội tụ các điều kiện vật chất cần thiết để tổ chức một sự kiện quốc tế tầm cỡ, thành phố Đà Nằng còn là nơi gắn kết với các trung tâm kinh tế như Khu công nghệ cao Đà Nằng – Khu hóa dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) – Khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam) – Khu kinh tế Chân Mây (Thừa Thiên – Huế),… Việc tổ chức các hoạt động của APEC tại đây sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển và hội nhập của khu vực miền Trung. Với nhiều danh lam thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng, gần với các khu du lịch của thành phố Huế, Hội An, Mỹ Sơn,… Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nằng được kỳ vọng sẽ góp phần tạo thêm dấu ấn cho Năm APEC 2017, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam.

2. Những cơ hội đối với thành phố Đà Nẵng

Cơ hội mở rộng kinh doanh cho các doanh nghiệp địa phương. Các hoạt động APEC tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các sự kiện APEC, quảng bá thương hiệu; kết nối, giao lưu với doanh nghiệp quốc tế; tham gia các hội thảo, diễn đàn quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm kinh doanh từ đối tác.

Cơ hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thành phố, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân Đà Nẵng (mở rộng sân bay, chỉnh trang đường phố, trang hoàng đường phố…).

Cơ hội quảng bá hình ảnh, con người Đà Nẵng và Việt Nam: khoảng 10.000 đại biểu là các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp hàng đầu và truyền thông quốc tế sẽ đến Đà Nẵng. Đây là cơ hội quảng bá rất tốt cho Đà Nẵng để xây dựng hình ảnh thành phố năng động, giàu tiềm năng phát triển, người dân thân thiện…, qua đó thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển du lịch và kinh tế. Cơ hội phát triển đội ngũ cán bộ hội nhập, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa hội nhập cho người dân Đà Nẵng.

3. Các sự kiện lớn của Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam 2017

Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 06 – 11/11/2017. Khoảng hơn 10.000 đại biểu quốc tế, trong đó có Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới cũng như đại diện các cơ quan truyền thông lớn của quốc tế sẽ đến dự.

Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 gồm các hoạt động nổi bật sau:

- Hội nghị lần thứ 25 các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC.

- Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế lần thứ 29 (AMM 29).

- Hội nghị tổng kết các quan chức cao cấp (CSOM).

- Cuộc họp Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).

- Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit).

- Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).

Trong dịp này, dự kiến cũng diễn ra một số hoạt động do Việt Nam đề xuất nhằm tăng cường giao lưu, quảng bá văn hóa… của APEC, giữa APEC với các đối tác, tổ chức khu vực và quốc tế cũng như về Việt Nam.

4. Các sự kiện bên lề Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Thành phố đã xây dựng Kế hoạch các hoạt động của thành phố Đà Nẵng bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC. Ngoài những chương trình lãnh đạo tham gia trực tiếp tại TLCC như: (1) Tiếp xúc một số lãnh đạo, bộ trưởng, quan chức các nền kinh tế thành viên APEC, gặp gỡ các doanh nghiệp APEC và tham gia một số Hội nghị, Diễn đàn liên quan; (2) Tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng tại phiên chuyên đề của Diễn đàn kinh doanh với Việt Nam do VCCI tổ chức; (3) Bố trí các gian triển lãm, thông tin tại Trung tâm Báo chí, Trung tâm Hội nghị Ariyana và một số sự kiện dành cho doanh nghiệp tại TLCC APEC…, thành phố sẽ tổ chức một số hoạt động bên lề nhằm quảng bá hình ảnh thành phố, thu hút đầu tư, thương mại, du lịch như tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư theo chuyên đề, tổ chức không gian văn hóa ẩm thực…

5. Công tác chuẩn bị

5.1- Cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật

- Cải tạo Trung tâm Hội chợ Triển lãm thành Trung tâm Truyền thống

- Cải tạo, sửa chữa Cung thể thao Tiên Sơn

- Cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017: Dự án Cải tạo, chỉnh trang vỉa hè 21 tuyến đường và thay thế các cây xanh bóng mát, bổ sung trồng mới các vị trí cây xanh còn thiếu; Cải tạo, đầu tư hệ thống điện chiếu sáng, cảnh quan trên các tuyến đường Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp – Trường Sa và Nguyễn Văn Linh – Võ Văn Kiệt; Nâng cấp vỉa hè các tuyến đường: Đường Lê Đại Hành; 30/4; Phan Đăng Lưu; đường gom hai đầu cầu Sông Hàn; Lê Đức Thọ; Trần Quý Cáp; Nguyễn Hữu Thọ; Hà Huy Tập; Như Nguyệt; Nguyễn Sinh Sắc; Cải tạo, đầu tư mới các nhà vệ sinh công cộng và mua sắm thùng rác đặt trên một số tuyến đường phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017…

- Cải tạo các hạng mục tại khách sạn Intercontinental; xây dựng Trung tâm Hội nghị và Triển lãm quốc tế Ariyana, Khách sạn Sheraton, Công viên APEC 2017. Các công trình tại sân bay quốc tế Đà Nẵng: Dự án Nhà ga hành khách quốc tế mới; Dự án Nhà ga khách VIP tại khu vực nhà ga quốc tế mới; Dự án Cải tạo, nâng cấp sân đỗ máy bay trước nhà ga quốc tế; Dự án Mở rộng sân đỗ máy bay về phía Bắc…

Thành phố Đà Nẵng đang phối hợp các đơn vị liên quan triển khai thi công hệ thống viễn thông – công nghệ thông tin cho Trung tâm Truyền thông; triển khai đảm bảo hạ tầng thông tin liên lạc phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017; triển khai hoàn thiện hệ thống wifi công cộng của thành phố; thực hiện sắp xếp, chỉnh trang cáp thông tin trên các tuyến đường phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

Thành phố chỉ đạo rà soát công tác chuẩn bị máy phát điện dự phòng và thiết bị lưu điện tại các địa điểm dự kiến tổ chức các sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017, đảm bảo cấp điện liên tục, ổn định trong suốt thời gian diễn ra các sự kiện Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Điện lực Đà Nẵng đã triển khai các phương án nhằm đảm bảo cung cấp điện tin cậy cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng, thí nghiệm định kỳ hệ thống điện; xây dựng phương án cấp điện ưu tiên; tổ chức diễn tập xử lý sự cố; kiểm tra công tác đảm bảo nguồn dự phòng tại các địa điểm tổ chức các hoạt động APEC.

5.2- Công tác lễ tân, hậu cần

Thành phố thường xuyên phối hợp với các tiểu ban của Ủy ban Quốc gia APEC 2017 khảo sát, lựa chọn và đưa ra phương án bố trí nơi lưu trú cho lãnh đạo và các đoàn đại biểu của 21 nền kinh tế tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Đà Nẵng đảm bảo cơ sở lưu trú cho gần 10.000 đại biểu, phóng viên tham dự.

Thành phố Đà Nẵng đã phối hợp chặt chẽ với các tiểu ban Ủy ban Quốc gia xây dựng các phương án, kịch bản lễ tân, hậu cần, đề án đón, tiễn đại biểu tham dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. UBND thành phố ban hành kế hoạch huy động 110 cán bộ, công chức từ các sở ban ngành và 500 sinh viên từ các trường đại học trên địa bàn thành phố để tham gia tuyển chọn lực lượng liên lạc viên và tình nguyện viên phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo về nghiệp vụ lễ tân đối ngoại và tiếng Anh cho khoảng 300 cán bộ, công chức của thành phố.

5.3- Công tác an ninh, y tế

Tiểu ban An ninh-Y tế thuộc Ban Chỉ đạo APEC Đà Nẵng đã chủ động triển khai nhiều công tác nghiệp vụ nhằm đảm bảo an ninh và y tế phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017; tham gia các đợt kiểm tra, khảo sát của Tiểu ban An ninh-Y tế (Ủy ban Quốc gia APEC 2017) và các bộ, ngành liên quan tại các công trình phục vụ sự kiện quan trọng này. Tiến hành rà soát tiến độ triển khai các hoạt động đảm bảo y tế; xây dựng phương án bố trí tổ y tế thường trực tại các khách sạn, phương án đảm bảo an toàn thực phẩm; rà soát các điều kiện về an toàn thực phẩm tại các khách sạn lưu trú của các đoàn và các nhà hàng đề xuất phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017; rà soát phương tiện, trang thiết bị trên xe cấp cứu theo qui định của Bộ Y tế. Thành phố đã khảo sát, xây dựng các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, lắp đặt hệ thống camera giám sát, an ninh giao thông phục vụ đối với các hoạt động, địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2017; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy tại một số khách sạn dự kiến phục vụ APEC; triển khai công tác phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, bảo đảm nguồn nước, kiểm dịch tại sân bay quốc tế Đà Nẵng, chuẩn bị các phương án, kế hoạch thường trực cấp cứu, phòng chống thảm họa…

Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, quản lý chặt chẽ số đối tượng cơ hội chính trị, cực đoan chống đối, tội phạm hình sự, ma tuý, tăng cường công tác kiểm tra nhà hàng, khách sạn, quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tổ chức diễn tập các phương án phòng, chống khủng bố, bắt cóc con tin,  triển khai xây dựng các phương án, kế hoạch sẵn sàng chiến đấu, kế hoạch cứu hộ, cứu nạn bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

5.4 – Công tác tuyên truyền

Thành lập Tiểu ban Tuyên truyền – Văn hóa thuộc Ban chỉ đạo tại Đà Nẵng. Xây dựng Đề án Tuyên truyền cổ động trực quan phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng. Chọn lựa hình ảnh, xây dựng clip về thành phố Đà Nẵng để phục vụ quảng bá chung Năm APEC 2017. Lồng ghép quảng bá văn hóa, du lịch Đà Nẵng vào Đề án Kế hoạch hoạt động quảng bá, văn hóa du lịch Việt Nam trong tổng thể các hoạt động trước, trong và sau Năm APEC 2017.

Các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục triển khai tích cực các hoạt động quảng bá trên các kênh truyền thông, các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch Đà Nẵng trong và ngoài nước. Các cấp, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đã đẩy mạnh thực hiện chương trình phát triển sản xuất sản phẩm lưu niệm thành phố, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp tăng cường tham gia sản xuất các sản phẩm lưu niệm đa dạng về chủng loại, mẫu mã, mang đặc trưng thành phố. Tổ chức thành công Cuộc thi thiết kế và sản xuất sản phẩm lưu niệm, quà tặng phục vụ APEC 2017 và Lễ công bố trao giải Cuộc thi và kết nối cung cầu sản phẩm lưu niệm. Đã hoàn thành việc in ấn phẩm Invest in Da Nang (tiếng Anh, Hàn, Nhật); hoàn thành bộ mẫu ấn phẩm Danang FantastiCity (tiếng Anh) và bộ quà tặng (bút bi, sổ tay, usb gắn logo du lịch Đà Nẵng) phục vụ APEC; triển khai in ấn và sản xuất, hoàn thành ấn phẩm Đầu tư công nghệ thông tin (tiếng Việt); hoàn thành Clip quảng bá Đà Nẵng  và trailer quảng bá Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (song ngữ Việt-Anh).

Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các sở, ban, ngành và người dân về chủ trương, ý nghĩa của việc thành phố đăng cai tổ chức các sự kiện quan trọng của Năm APEC 2017; UBND thành phố phát động chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng” nhằm vận động thực hiện nếp sống văn minh đô thị, mỗi người dân trở thành “đại sứ văn hóa” để tạo ấn tượng đẹp ở Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Trên cơ sở Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành uỷ đã xây dựng, ban hành Hướng dẫn và đề cương Tuyên truyền APEC Việt Nam 2017. Các cơ quan báo, đài thành phố xây dựng Kế hoạch tuyên truyền, các chuyên trang, chuyên mục về Năm APEC Việt Nam và Tuần lễ cấp cao APEC 2017.

6. Đà Nẵng cần làm gì

Đảm bảo an ninh, trật tự, văn minh đô thị tạo một môi trường ấn tượng chào đón khoảng 10.000 đại biểu và báo chí APEC dịp Tuần lễ cấp cao APEC.

Mỗi người dân Đà Nẵng là một Đại sứ hình ảnh về một Việt Nam năng động, phát triển, đổi mới và hội nhập và về con người Việt Nam hiền hòa, thân thiện và mến khách.

APEC trong hơi thở, nhịp sống của người dân Người dân biết về APEC, vai trò của Việt Nam trong APEC, quan tâm đến các hoạt động APEC đang diễn ra, đóng góp các ý kiến, những mong đợi APEC có thể đem lại cho người dân trong khu vực.

Người dân quan tâm và có thông tin về 21 nền kinh tế thành viên APEC, cũng như các Lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ tham dự Hội nghị cấp cao các nhà Lãnh đạo APEC tại Đà Nẵng.

Thể hiện một môi trường kinh doanh hấp dẫn, nhiều cơ hội đầu tư tiềm năng.

IV. MỘT SỐ LƯU Ý

1. Các hoạt động của APEC chỉ sử dụng Biểu trưng (Lô gô) của APEC và Biểu trưng Năm APEC của chủ nhà,  không sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, quốc thiều.

2. Đối với các thành viên, cần sử dụng thuật ngữ “nền kinh tế thành viên” (member economy), chứ không gọi là “nước” hay “quốc gia”.

3. Tên của Hội nghị Cấp cao APEC là Hội nghị các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC (AELM) không sử dụng tên gọi “Hội nghị Thượng đỉnh”.

4. Tên chính thức các nền kinh tế thành viên APEC: Ô-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc), Hồng Kông-Trung Quốc, In-đô-nê-xia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ma-lai-xia, Mê-hi-cô, Niu Di-lân, Pa-pua Niu Ghi-nê, Pê-ru, Phi-líp-pin, Nga, Xinh-ga-po, Đài Bắc-Trung Hoa, Thái Lan, Hoa Kỳ, Việt Nam./.

Các trao đổi mới nhất