DIỄN BIẾN CHÍNH CHIẾN CÔNG MẸ NHU VÀ BẢY DŨNG SỸ THANH KHÊ
Đêm 23/12/1968, sau khi tập kích đồn bảo an Phú Lộc, các chiến sỹ biệt động quận Nhì được cơ sở đưa về bố trí ở tại nhà mẹ Nhu và nhà mẹ Hiền. Do bị tên Lữ Hùng phản bội, chỉ điểm nên mờ sáng ngày 26/12/1968, hàng trăm tên địch có máy bay trực thăng và pháo binh yểm trợ, kéo đến bao vây khu vực Thanh Khê 4, Thanh Khê 5, khống chế các lối ra vào nhà mẹ Nhu và nhà mẹ Hiền, nhằm bắt sống, tiêu diệt các chiến sỹ biệt động của ta. Bị địch bao vây bất ngờ, 3 chiến sỹ biệt động ở nhà mẹ Nhu xuống hầm bí mật, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. 4 chiến sĩ biệt động ở nhà mẹ Hiền cũng nhanh chóng vào vị trí chiến đấu.
Bọn địch tấn công vào nhà mẹ Nhu, một số xộc thẳng vào nhà, một số bao vây quanh nhà. Anh Phạm Phú Long (con trai mẹ Nhu) vừa bước ra sân đã bị chúng chặn lại hỏi: “Hầm bí mật ở đâu? Chỉ mau!”. Anh Long bình thản trả lời: “Nhà tôi không có hầm nào cả. Các ông lầm rồi đó”. Tên chỉ huy đấm thẳng vào mặt anh và ra lệnh cho bọn lính đánh anh bất tĩnh rồi lôi anh bỏ lên xe chỡ đi. Thấy con trai mình bị đánh đập, bị bắt, mẹ Nhu la lớn: Tại sao các ông đánh đập con tôi. Các ông bắt nó đi đâu? Tên chỉ huy mặt hầm hầm đến trước mặt mẹ, quát: “Hầm bí mật ở đâu, chỉ mau?”. Mẹ Nhu trả lời dứt khoát: “Nhà tôi không có hầm bí mật”. Tên chỉ huy tức tối, ra lệnh cho bọn lính đánh đập, tra khảo mẹ rất dã man. Mẹ nghiến chịu đựng. Rồi mẹ gượng đứng lên, đến trước mặt tên chỉ huy, dõng dạc nói: “Bọn mày bắn tao đi. Tao không biết hầm hố nào cả”. Biết không thể khuất phục được mẹ, tên chỉ huy đã hèn hạ chĩa súng vào ngực mẹ, bóp cò. Mẹ Nhu ôm ngực ngã xuống ngay trên sân nhà. Ngồi dưới hầm, nghe tiếng súng nổ, các chiến sỹ biệt động biết địch đã bắn mẹ Nhu, lòng sục sôi căm giận, muốn xông lên trả thù cho mẹ nhưng đành phải nén lòng.
Địch tiếp tục cho máy bay lượn quanh khu vực nhà mẹ Nhu, mẹ Hiền gọi các chiến sỹ biệt động ra hàng. Tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính lục lọi, xăm nát vườn và nhà mẹ Nhu để tìm hầm bí mật. Ngồi dưới hầm, các đồng chí Nguyễn Văn Huề, Nguyễn Thị Tám, Trần Thanh Trung xác định, trước sau địch cũng sẽ phát hiện được hầm, nên bằng mọi giá phải ra khỏi hầm, chủ động tấn công địch, phối hợp với các đồng chí ở nhà mẹ Hiền chiến đấu để bảo toàn lực lượng. Huề tung nắp hầm, lao lên, ném 2 quả lựu đạn vào đám lính trước mặt. Trung, Tám cũng lập tức lao lên, quạt từng tràng AK vào bọn địch đang vây kín nhà mẹ Nhu. Bị tấn công bất ngờ, bọn địch nhốn nháo hỗn loạn, nằm rạp xuống bên cạnh những xác chết của đồng bọn. Sau khi hoàn hồn, bọn địch bắt đầu phản công quyết liệt, tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ chát chúa. Ba chiến sỹ của ta vừa đánh trả quyết liệt, vừa yểm trợ cho nhau, di chuyển về phía nhà mẹ Hiền để phối hợp với đồng đội tiếp tục chiến đấu.
Quân địch bao vây nhà mẹ Hiền cũng bắt đầu tấn công nhằm tiêu diệt các chiến sỹ biệt động của ta. Các đồng chí Trần Chi, Nguyễn Văn Mười, Nguyễn Đình Năm, Nguyễn Văn Phương cố thủ trong công sự được chất bằng những bao muối, đánh trả quyết liệt, tiêu diệt nhiều tên địch, địch không thể vào được bên trong. Bị thiệt hại nặng, địch tăng quân chi viện và mở nhiều đợt tấn công nữa nhưng đều bị các chiến sỹ biệt động đánh bật ra. Xác địch nằm ngỗn ngang bên ngoài nhà mẹ Hiền.
Để cứu nguy, địch huy động thêm một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến ngụy và một đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ, có xe tăng, pháo binh và máy bay yểm trợ, tấn công từ hướng biển lên và từ quốc lộ I xuống, nhằm tiêu diệt các chiến sĩ biệt động của ta. Được quân thiện chiến tăng viện, địch tập trung mở các đợt tấn công mới nhưng đều bị các chiến sỹ biệt động đánh trả quyết liệt. Trận chiến đấu diễn ra ngày càng ác liệt hơn. Các chiến sỹ ở nhà mẹ Hiền, được mẹ Hiền che chở, chỉ đường đã thoát ra khỏi nhà, cùng với các chiến sỹ ở nhà mẹ Nhu di chuyển qua từng ngôi nhà, từng góc phố vừa đánh trả địch, vừa tìm cách thoát khỏi vòng vây. Ngay sau đó bọn địch tràn vào nhà mẹ Hiền, chúng hy vọng sẽ bắt sống hoặc tiêu diệt các chiến sỹ biệt động của ta, nhưng chúng đã thất bại. Chúng tức tối, bắt mẹ Hiền bỏ lên xe chỡ đi.
Trong một đợt phản công địch, đồng chí Nguyễn Văn Huề bị thương nặng. Tám, Trung vừa đánh trả địch, vừa dìu anh Huề vào một ngôi nhà để băng bó vết thương nhưng anh nói giọng khẩn thiết: “Đừng vì tôi mà phải hy sinh cả Tổ. Các đồng chí hãy đi ngay đi!”. Anh trao khẩu súng cho Tám và dặn “Cầm lấy để tiếp tục chiến đấu. Đưa cho tôi quả lựu đạn, tôi sẽ sống chết với bọn chúng”. Bọn địch tưởng anh Huề đã chết nên xúm lại. Ngay tức khắc, anh Huề rướn người, tung lựu đạn vào đám lính. Anh Huề hy sinh và 4, 5 tên địch bỏ mạng.
Suốt một ngày quần nhau với địch, đến chiều tối, được sự che chở của nhân dân, các chiến sỹ biệt động đã thoát khỏi vòng vây địch.
Trận chiến đấu không cân sức, nhưng với tinh thần chiến đấu dũng cảm ngoan cường, mưu trí và được sự đùm bọc, chở che của mẹ Nhu, mẹ Hiền và nhân dân khu vực Thanh Khê 4, Thanh Khê 5, bảy chiến sĩ biệt động của ta đã đánh bại cuộc vây ráp tấn công của 3 tiểu đoàn Mỹ-Ngụy có xe, pháo và máy bay yểm trợ, ta tiêu diệt và làm bị thương hơn 80 tên địch. Trong trận chiến đấu này, mẹ Lê Thị Dãnh (tức mẹ Nhu) và đồng chí Nguyễn Văn Huề đã anh dũng hy sinh. Anh Phạm Phú Long, mẹ Hiền, chị Trần Thị Xí và anh Hồ Văn Được- một cơ sở cách mạng được cài cắm trong hàng ngũ địch- bị địch bắt bỏ tù, bị đánh đập, tra tấn rất dã man nhưng vẫn một lòng, một dạ kiên trung với Đảng, với cách mạng. Năm 1970, anh Phạm Phú Long vượt ngục trở về tiếp tục hoạt động và hy sinh năm 1973.
Trận đánh của bảy chiến sỹ biệt động quận Nhì diễn ra giữa ban ngày, ngay trong lòng thành phố đã làm cho quân thù hoang mang, lo sợ. Chiến công của Mẹ Nhu, mẹ Hiền và bảy dũng sĩ Thanh Khê được Đặc Khu ủy Quảng Đà tuyên dương Công trạng anh hùng, đã làm nức lòng quân và dân ta, động viên, khích lệ, củng cố niềm tin cho quân và dân ta tiếp tục chiến đấu và chiến thắng quân thù, góp phần đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, giải phóng quê hương vào ngày 29/3/1975 và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Chiến công của bảy dũng sỹ Thanh Khê và những trận đánh ngay trong lòng địch của Đội biệt động quận Nhì có sự đóng góp rất lớn của mẹ Nhu, mẹ Hiền và các cơ sở cách mạng như vợ chồng cô Huỳnh Thị Trang – chú Hồ Văn Được, cô Lê Thị Nhi, chị Trần Thị Xí, gia đình bà Lê Thị Côi, bà Huỳnh Thị Chanh, bà Xã Nhất và nhiều gia đình cơ sở khác.
Chiến công của Mẹ Nhu, mẹ Hiền và bảy Dũng sĩ Thanh Khê mãi mãi là niềm tự hào, là bài học quý giá về đường lối chiến tranh nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng; bài học về lòng thủy chung, kiên trung với Đảng, với cách mạng của nhân dân ta; bài học về truyền thống yêu nước, tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Thanh Lộc Đán – Khu Tây – Quận Nhì trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Vinh dự và tự hào thay, ngôi nhà của mẹ Nhu – nơi diễn ra trận đánh lịch sử năm xưa đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Và trên địa bàn quận Thanh Khê ngày nay có một con đường mang tên mẹ Nhu, một con đường mang tên mẹ Hiền, một con đường và một ngôi trường mang tên Dũng sỹ Thanh Khê.