NHÂN DÂN QUẬN THANH KHÊ TRONG LỊCH SỬ

Nhân dân quận Thanh Khê không tách rời Đà Nẵng và Quảng Nam trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Gần 7 thế kỷ tiến về phương Nam mở mang bờ cõi, khai hoang lập ấp, bảo vệ đất nước, gắn mồ hôi và máu xương, nhân dân các xã, phường phía Tây thành phố, nay là quận Thanh Khê đã cùng với cộng đồng dân tộc tạo nên một nước Việt Nam hoàn chỉnh từ Bắc đến Nam như ngày nay.
Theo gia phả của nhiều tộc họ lưu lại, trên mảnh đất này có nhiều tộc vào đây lập nghiệp từ thế kỷ 14, 15. Đến nay có nhiều tộc đã trải qua 20 thế hệ. Quá trình lâu dài đó, thế hệ này đến thế hệ khác đã phải vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để xây dựng và phát triển. Xứ Quảng là điểm tựa vững chắc để tiến về phương Nam. Mảnh đất này hun đúc nên nhiều anh tài, góp công sức vào việc dựng nước, giữ nước.
Người dân các địa phương trên đất Đà Nẵng là những người đầu tiên đương đầu chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp. Họ là những người giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc trong thời kỳ 1858-1860. Không chịu khuất phục dưới sự thống trị của kẻ thù, nhân dân hưởng ứng các phong trào yêu nước của Thái Phiên, Trần Cao Vân, Nguyễn Duy Hiệu, Ông Ích Đường,… vào thời cận đại. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp lần thứ 2, nhân dân đã thực hiện vườn không nhà trống, bất hợp tác với giặc; từng bước xây dựng và phát triển lực lượng kháng chiến, bền gan quyết chiến quyết thắng. Nhiều tấm gương kiên trung bất khuất trước kẻ thù như đồng chí Ngô Tấn Đắc đã đi vào thơ ca của người dân Thanh Khê:

“… Chúng chặt đầu Anh cắm vào cọc bêu lên,
Một cái đầu rơi của con người bất khuất!”

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhiều gương hy sinh anh dũng như đồng chí Nguyễn Văn Huề-Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, như mẹ Nhu, mẹ Hiền đã hiên ngang trước vũ lực kẻ thù, hy sinh mình để cứu những đứa con thân yêu được sống, tiếp tục giết giặc. Những tấm gương hy sinh cao cả ấy càng tô thắm truyền thống yêu nước, làm rạng rỡ quê hương, đất nước.

Trải qua các cuộc đọ sức với các đội quân xâm lược trong các thời điểm lịch sử khác nhau, nhân dân Thanh Khê đã đồng tâm hiệp lực, chiến đấu hy sinh cho nền độc lập, tự do. Biết bao tội ác dã man, nham hiểm của kẻ thù không làm cho nhân dân nhụt chí, khiếp sợ mà vẫn kiên trung, bất khuất, anh dũng đấu tranh.

Quá trình mở đất, xây dựng cuộc sống, các thế hệ người dân Thanh Khê đã cần cù lao động, biến đất hoang thành ruộng lúa nương ngô, tạo của cải vật chất để sinh tồn. Công cuộc lao động phải chịu nhiều hy sinh, mất mát do thiên nhiên khắc nghiệt gây ra, mà nổi ám ảnh là trận bão năm Quý Tỵ ngày 23/3/1893 đã làm cho hơn 500 ngư dân của 2 làng Thanh Khê, Hà Khê phải bỏ mình nơi biển cả. Nhân dân đã lập đền thờ tại làng Hà Khê và hàng năm tổ chức cúng kỵ những người đã khuất nhằm nhắc nhở các thế hệ tương lai luôn nhớ đến công ơn của bậc tiền nhân, đồng thời thể hiện tình cảm và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Đà Nẵng trải qua 100 năm đô thị hóa, dân cư hợp lưu từ nhiều tỉnh, thành khác nhau; các trào lưu văn hóa của chủ nghĩa thực dân cũ, rồi thực dân mới xâm nhập, nhưng ý thức về tộc họ, tổ tiên, tình lãng nghĩa xóm, tinh thần cộng đồng, lòng nhân ái trong bản sắc văn hóa Việt Nam vẫn luôn được thể hiện và bảo tồn.
Tính chất người dân Thanh Khê ngày nay cũng là tính chất của người dân đất Quảng. Đó là truyền thống yêu nước, cần cù trong lao động, nhạy cảm đối phó với thiên nhiên để tồn tại. Tuy nhiên, là cư dân ở đô thị, được tiếp cận với khoa học-kỹ thuật, nhanh nhạy nắm bắt nhiều thông tin để làm giàu cho kiến thức, tiếp thu nhanh kinh nghiệm và tinh hoa của thời đại để phục vụ tốt hơn cho cuộc sống đang ngày càng phát triển

Các trao đổi mới nhất