Trận đánh huyền thoại

Chiến công Mẹ Nhu và 07 Dũng sỹ Thanh Khê: Trận đánh đi vào huyền thoại

Kỳ I:  Sự hy sinh của người mẹ để bảo vệ đàn con cách mạng.
Đêm 23-12-1968, đội biệt động quận Nhì tập kích đồn bảo an Phú Lộc. Đánh xong, các chiến sĩ biệt động rút về trú ẩn tại nhà mẹ Nhu ở khu phố Thanh Khê. Không ai ngờ rằng, chỉ ba ngày sau, tại nhà mẹ Nhu lại diễn ra một trận đánh vang dội đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của Đà Nẵng.
Đội biệt động quận Nhì gồm tám người: Lữ, Hùng, Trung, Huề, Tuyết **, Phương, Mười, Chi, Năm do đồng chí Đặng Đình Vân còn gọi là Bảy Vân chỉ huy lực lượng vũ trang quận Nhì tổ chức, đào tạo và chỉ đạo; được đồng chí Nguyễn Thanh Năm còn gọi là Năm Dừa đưa về bố trí ở hai hầm bí mật của cơ sở cách mạng ở Thanh Khê. Một nhóm gồm Lữ Hùng, Trung, Huề, Tuyết ở hầm bí mật nhà mẹ Nhu. Một nhóm gồm Phương, Mười, Chi, Năm ở hầm bí mật nhà mẹ Hiền. Các chiến sĩ biệt động ở nhà mẹ Nhu và mẹ Hiền vừa được ba tháng thì xảy ra việc địch bất ngờ vây ráp xăm hầm.
Ngay trong mờ sáng ngày 26-12-1968, những chiếc GMC nối đuôi nhau lao trên các ngả đường vào Thanh Khê. Những tên cảnh sát áo trắng, cảnh sát dã chiến cùng với bọn bình định nông thôn, nghĩa quân rải dọc theo đường Trần Cao Vân vòng qua ngã tư Thanh Khê, làm thành ba mũi áp sát khu vực Thanh Khê 4 và Thanh Khê 5, nhằm khống chế các lối ra vào nhà mẹ Nhu và nhà mẹ Hiền. Trong khi bà con vẫn chưa thức giấc thì bọn cảnh sát dã chiến đã ập vào ngõ nhà mẹ Nhu. Từ phòng ngoài, mẹ Nhu quay vào hối hả giục các chiến sĩ biệt động xuống hầm.
Các chiến sĩ biệt động nhanh chóng lao xuống hầm. Lúc này chỉ có Trung, Huề, Tuyết còn Lữ Hùng đi từ đêm qua vẫn chưa về. Ba người không hiểu tại sao địch lại biết hầm nằm trong nhà mẹ Nhu vì ngoài mẹ Nhu và Hai Long, con trai mẹ Nhu và anh em trong tổ ra không còn ai biết hầm bí mật này. Bấy giờ, mọi người vẫn chưa biết là Lữ Hùng đã phản bội. Sau khi khai báo, biết trước kế hoạch vây bắt của địch, Lữ Hùng đã lẻn đến đồn cảnh sát và ở lại đấy để được yên thân.
Bên ngoài, bọn lính chia nhau số sộc thẳng vào sân, tay lăm lăm chĩa súng, đảo mắt sục tìm quanh nhà; số còn lại dàn thành hàng ngang canh giữ truớc ngõ. Hai Long vừa bước ra sân đã bị chặn lại hỏi: “Hầm ở đâu? Chỉ mau!”. Hai Long bình thản trả lời: “Nhà tôi không có hầm chi cả. Ông lầm rồi đó”. Tên chỉ huy vừa hỏi vừa đấm thẳng vào mặt Hai Long, quay sang ra lệnh cho bọn cảnh sát đánh anh đến bất tỉnh rồi mang anh đi. Tên chỉ huy đến trước mặt mẹ Nhu quất hỏi: “Hầm ở đâu? Hay mụ Cũng muốn nếm mùi như thằng con mụ”. Mẹ Nhu lớn tiếng: “Nhà tui ở giữa thành phố như ri làm chi có hầm hố. Tui không biết. Răng không đâu các lại đánh đập con tui rồi bắt mang đi. Trời ơi, con tui có tội tính chi?”. “Mụ già ni cứng đầu thiệt. Hầm ở đâu? Khai ra!”. Tên chỉ huy thẳng tay tát mẹ Nhu. Mẹ Nhu gượng đứng thẳng người. Bọn lính đánh Mẹ tới tấp. Mẹ vẫn lặng thinh. Một lúc lâu, đến trước mặt tên chỉ huy, mẹ Nhu bình tính nói lớn: “Đây, mấy ông có bắn tui thì bắn. Tui đã nói là không biết chi hết”. “Con mẹ già này gan thật. Dám thách hả?”. Tên chỉ huy hằm hằm chĩa súng vào ngực mẹ Nhu, bóp cò. Mẹ Nhu ôm ngực ngã xuống, chết ngay trên sân.
Địch cho máy bay lượn quanh nóc nhà mẹ Nhu rao gọi hàng: “Hỡi các chiến sĩ biệt động! Chúng tôi đã bao vây khắp nơi. Các bạn không còn con đường nào khác để thoát thân. Các bạn hãy buông súng quay về với chính nghĩa quốc gia. Chính phủ quốc gia sẵn sàng khoan hồng cho các bạn…”. Đồng thời chúng ra lệnh cho bà con những nhà xung quanh: “Để đảm bảo an toàn tính mạng, yêu cầu đồng bào hãy tránh xã nơi đây. Hãy nhanh chóng di tản…”. Chờ mãi không thấy các chiến sĩ biệt động ra hàng, tên chỉ huy ra lệnh cho bọn cảnh sát dùng dùi sắt xăm hầm….

Kỳ II: Tinh thần chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ biệt động quận Nhì.

Ngồi dưới hầm, các chiến sĩ biệt động xác định: Dẫu đang lâm vào thế bị động, nhưng không thể bó tay chờ chết. Có chết cũng phải đánh đến cùng để bảo vệ khí tiết và bảo toàn uy thế của cách mạng. Bằng giá nào cũng phải ra khỏi hầm, vừa cầm cự vừa tìm cách phối hợp với nhóm ở nhà mẹ Hiền để cùng chiến đấu. Ba người chuẩn bị súng AK và lựu đạn. Huề tung nắp hầm, hai tay cầm hai quả lựu đạn ném vào đám lính trước mặt. Trên miệng hầm, bọn địch nhốn nháo hỗn loạn. Tên chỉ huy khoát tay ra lệnh ném lựu đạn cay xuống hầm hòng bắt sống các chiến sĩ biệt động. Trung lập tức lao theo, dùng AK quạt ra xung quanh hỗ trợ cho Huề. Tuyết cũng lên khỏi hầm giữa làn lửa đạn đan lấy nhau.

Huề và Trung dùng AK mở đường, tìm cách dạt sang nhà bên cạnh. Bọn lính rùng rùng bắn đuổi. Chúng không dám sáp vào, chỉ men theo bờ rào nổ súng. Dưới làn mưa đạn của địch, ba người vừa bắn yểm trợ cho nhau vừa tìm cách luồn qua nhà chú Tư sau nhà mẹ Nhu. Từ chỗ ẩn nấp mới, các chiến sĩ biệt động lại tiếp tục phản công. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, họ đã chặn đứng được năm đợt tấn công của địch, diệt hàng chục tên lính. Tình thế bỗng chốc thay đổi. Bọn địch bị dồn vào thế bị động. Nghe tiếng súng mỗi lúc một dồn dập, những tên lính phục đầu con dốc vào nhà mẹ Nhu hối hả chạy đến hỗ trợ.

Các chiến sĩ biệt động ở nhà mẹ Nhu lần chuyển đến khu vực nhà mẹ Hiền để phối hợp chiến đấu. Đang đi gặp tên Kiểm Tương là ấp trưởng làm tay sai cho địch nổi tiếng ác ôn, Tuyết bắn chết hắn tại chỗ, đoạt lấy khẩu cácbin, cùng đồng đội di chuyển.

Lúc này, địch đã huy động thêm một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến và gần một đại đội lính Mỹ từ hai hướng biển Thanh Khê lên và Quốc lộ 1 xuống để chi viện. Cùng với lực lượng trụ sẵn, chúng đóng giữa các trục lộ giao thông và án ngữ mặt biển thuộc khu vực này. Mọi ngã đường ra vào đều bịt kín. Tình thế đã trở nên nghiêm trọng và quy mô tác chiến đã vượt quá dự kiến ban đầu của địch. Để đối phó với một biệt động có bảy người trên một địa bàn hẹp, chúng đã phải huy động một số quân thiện chiến của quân đội cộng hoà, có cả cố vấn Mỹ và lính Mỹ tham gia.

Chúng vẫn cho máy bay gọi hàng. Tuyết, Trung, Huề len giữa các nhà tiến về phía biển. Từ xa, ba người đã thấy bóng những tên Mỹ và thuỷ quân lục chiến phục dày ven bờ. Họ nhanh chóng chuyển lên hướng Hà Khê, tránh vòng vây của địch. Trên đường đi Huề bị thương. Trung xốc nách Huề lôi ra sau bức tường ngôi nhà gần đó. Tuyết theo bắn yểm trợ. Nhìn đồng đội, Huề nói giọng khẩn thiết: “Đừng vì tôi mà hy sinh cả tổ. Các đồng chí hãy đi ngay đi”. Anh quay sang trao đổi AR15 cho Tuyết, dặn dò: “Cầm lấy để tiếp tục chiến đấu. Đưa cho tôi quả lựu đạn, tôi sẽ sống chết với bọn chúng”. Tuyết đặt quả lựu đạn vào tay Huề, cầm lấy súng rồì cùng Trung sang nhà bên canh chừng cho Huề.

Bọn địch bắt dân vào thăm chừng xem Huề đã chết chưa. Huề bảo mọi người quay ra, nằm yên chờ bọn lính đến. Không thấy động tĩnh gì, bọn chúng kéo vào. Chờ chúng đến gần, Huề rướn người, tung lựu đạn vào đám lính. Huề hy sinh và nhiều tên lính bỏ mạng. Nghe tiếng nổ, bọn lính sửng sốt. Vậy là để đánh đổi một sinh mạng của đối phương, bọn chúng đã phải trả một giá đắt.

Sau cái chết của bọn lính vào lấy xác Huề, tên chỉ huy tức tối hạ lệnh bằng mọi cách phải bắt sống các chiến sĩ biệt động còn lại. Nấp trong nhà nhìn ra, Tuyết và Trung thấy bọn lính lần lữa tiến vào. Hai người bình tĩnh nhằm từng tên bóp cò. Những tên đi sau vội chạy tháo lui. Đợt tấn công bị đẩy lùi. Nhìn thấy con dao trong góc nhà, chợt nhớ đến mái tóc dài đã gây vướng trong lúc vượt rào ban sáng, Tuyết buộc lóng nhờ Trung cắt hộ trước khi tiếp tục chiến đấu.

Một hồi lâu dừng lại nghe ngóng, những tên lính đùn đẩy nhau chĩa súng vào ngôi nhà Tuyết và Trung đang ẩn nấp nhưng cả hai người đã chuyển sang nhà khác. Cứ vậy, những ngôi nhà ẩn mình sau các lùm cây, lượn vòng ôm lấy các con hẻm đã tạo thành vành đai kiên cố chở che cho hai người….

Kỳ III: chiến thắng vang dội của đội biệt động quận Nhì – Thanh Khê.

Tại khu vực nhà mẹ Hiền, từ đầu con hẻm chéch với mé hông nhà mẹ, bọn cảnh sát dã chiến cũng đã bao vây dày đặc. Những tràng AK dội ran trên đoạn đường chưa đầy trăm mét từ nhà mẹ Nhu đến nhà mẹ Hiền đã báo cho nhóm biệt động ở nhà mẹ Hiền biết có động xảy ra. Bốn chiến sĩ biệt động vội giục gia đình mẹ Hiền sơ tán, còn anh em nhanh chóng lao ra công sự được xếp bằng những bao muối trong kho muối cạnh nhà mẹ Hiền trước mấy hôm.

Trong công sự nhìn ra, các chiến sĩ biệt động thấy những sắc áo rằn ri dàn đều trên bãi đất trống cạnh trường ấp tân sinh, cách công sự chừng hai mươi mét. Bốn người hội ý, quyết định chớp thời cơ phủ đầu bọn địch. Từ trong công sự, một quả bom B.40 bất ngờ bắn ra đã làm cho lính số chết, số bị thương khiến địch hoảng hốt. Những tên còn lại không dám xông vào, chỉ đứng từ xa xối xả bắn đến.

Hàng loạt đạn nối đuôi nhau loạn xạ cắm quanh công sự. Men theo làn khói mờ đục, bọn lính lò dò tiến lên. Phương, Mười, Chi, Năm bình tĩnh nổ súng, tỉa dần từng tên. Địch lại ào lên nhưng bị đánh bật ra. Các chiến sĩ biệt động phản công quyết liệt. Những tràng AK của họ lọt thỏm giữa những tiếng súng hỗn loạn của địch, song mọi người vẫn kiên cường chiến đấu. Thấy không uy hiếp được nhóm biệt động, lại bị thiệt hại nặng nề, tên chỉ huy gọi điện xin thêm quân chi viện, hòng dùng số đông áp đảo các chiến sĩ biệt động.

Quân chi viện đến, địch lại mở đợt tấn công. Từ trong công sự, các chiến sĩ biệt động bình tĩnh bắn trả. Gian nhà chứa muối giờ đây lại trở thành nơi quyết chiến của anh em biệt động. Thấy vậy, bọn lính xăm xăm giương súng vào đấy nhưng không sao tiến lại gần được. Những họng súng AR.15 đua nhau găm lổ chổ bề mặt công sự. Bốn người chăm chú theo dõi những bóng lính từ xa. Mỗi lúc, chúng mỗi đông thêm. Những tên lính mới được điều đến cũng xáp vào nổ súng. Tiếng súng chập lẫn tiếng động cơ máy bay chở xác lính từ ngoài bờ biển vọng vào riết róng, nghe đanh rát cả tai khiến bọn chỉ huy càng thêm sốt ruột. Tên cố vấn Mỹ ra lệnh cho tên quận trưởng gọi điện về sân bay yêu cầu cho thêm máy bay, mang theo cả bom chi viện để diệt trọn đội biệt động. Tên quận trưởng hoảng hốt nói: “Không còn cách nào nữa sao? Chỉ vì mấy tên nằm vùng mà phải san bằng cả một vùng ư?” Tên cố vấn Mỹ lặng thinh, bởi hắn nhận ra làm như vậy là mặc nhiên thừa nhận sự bất lực trước các chiến sĩ biệt động.

Một lúc sau, chúng bắt bà con mang theo quang gánh đến cạnh nhà mẹ Hiền một mặt để dỡ kho muối, mặt khác làm bia dỡ đạn cho chúng. Hiểu rõ âm mưu của địch, các chiến sĩ biệt động quyết định sẽ len trong đám người đang tràn vào, luồn ra ngoài. Bọn lính quạt súng đuổi theo. Bất chấp những tràng đạn đuổi bắt, bốn người nương theo những loạt đạn yểm trợ cho nhau, tiếp tục bươn đi. Phải chật vật lắm họ mới bám sát được nhau, len từ nhà này sang nhà khác, bỏ xa dần nơi đồn quân của địch.

Bọn lính đuổi theo ngơ ngác nhìn quanh. Chúng bối rối hoảng sợ. Càng tiến, chúng càng thấy đã sa vào một trận địa bí hiểm khiến chúng hoàn toàn bị động. Sau một hồi sục sạo không thấy động tĩnh gì, chúng lại quay ra. Những tia nắng cuối ngày vụt tắt . Tên chỉ huy ra lệnh cho bọn lính rút ra các trục lộ chính,  tiếp tục bao vây…

Suốt một ngày chiến đấu ngoan cường, mưu trí và được bà con Thanh Khê bao bọc, dẫn đưòng, các chiến sĩ biệt động đã thoát khỏi vòng vây của địch dàn hàng ngang lùng sục khắp vùng Thanh Khê, đội biệt động đã an toàn gặp nhau tại chiến khu phía Bắc Hoà Vang. Bấy giờ, đội biệt động đâu thể ngờ rằng trong trận quyết chiến không cân sức giữa bảy người với ba tiểu đoàn lính Mỹ ngụy, có cả máy bay trực thăng trợ chiến, họ đã lập nên một chiến công kỳ diệu. Rất nhiều binh lính địch đã bỏ mạng trước bảy mũi súng đã tiếp thêm lửa từ bảy trái tim quả cảm, cháy bỏng yêu thương và căm thù của đội biệt động quận Nhì. Sau trận đấng này, Đặc khu uỷ Quảng Đà đã tuyên dương công trạng mẹ Nhu và bảy dũng sĩ biệt động Thanh Khê.

Bao thời gian đã qua, bao cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra suốt những năm dài chống Mỹ tiếp sau đó, song người dân Đà Nẵng mãi mãi không quên người mẹ anh hùng cùng bảy chiến sĩ biệt động dũng cảm đã đưa trận đánh trên đất Thanh Khê đi vào huyền thoại.

Các trao đổi mới nhất