Nữ cán bộ y tế có tấm lòng thiện nguyện
(Dangbodanang.vn) – Đến phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng hỏi thăm chị Huỳnh Thị Thủy, Bí thư Chi bộ, Phó Trạm Trưởng Trạm Y tế phường, tôi thật bất ngờ vì nhiều người dân nơi đây đều nói về “cô Thủy” với một tình cảm trân trọng, yêu mến, bởi không chỉ sự nhiệt tình, trách nhiệm của chị đối với những người bệnh tâm thần trên địa bàn, mà còn bởi tấm lòng thơm thảo mà chị đã và đang dành cho hoạt động thiện nguyện trong suốt nhiều năm qua.
Sinh năm 1971, quê ở Hội An, Quảng Nam nhưng chị Thủy lại chọn mảnh đất Sơn Trà, Đà Nẵng là nơi sinh sống và làm việc. Sau khi tốt nghiệp Y sĩ đa khoa chuyên ngành Tâm thần (năm 1996), Chị Thủy về làm việc tại Trạm Y tế phường Thọ Quang và hai năm sau chị chuyển công tác về Trạm Y tế phường Mân Thái. Ở thời điểm này, đời sống kinh tế của người dân trên địa bàn phường còn nhiều khó khăn; thêm vào đó, tình hình dịch bệnh và có nhiều người mắc các bệnh mãn tính như bệnh phong, bệnh tâm thần… làm cho cuộc sống của họ ngày càng trở nên eo hẹp, chật vật. Trước những số phận không may mắn và hoàn cảnh quá đặc biệt của một số bệnh nhân, nhất là bệnh nhân tâm thần, thay vì sợ hãi, trốn tránh, chị lại chọn cách mở lòng mình, đón nhận tận tình chăm sóc, chữa trị cho họ. Nhiều khi đêm hôm mưa gió, bệnh nhân tâm thần lên cơn quậy phá, chị đã không quản khó khăn vất vả và nguy hiểm đến tiếp cận người bệnh để an ủi, động viên giúp bệnh nhân ổn định tâm lý; đồng thời, tuyên truyền vận động người nhà đưa bệnh nhân lên Trung tâm điều trị. Bằng việc thường xuyên lui tới thăm nom, khám, kiểm tra tình hình thuốc men cho người bệnh, chị đã gần gũi, lắng nghe, chia sẻ và thấu hiểu rằng, mỗi người, một hoàn cảnh và nỗi bất hạnh nhưng tất cả đều gặp nhau ở sự khó khăn, nghèo khổ và thiếu thốn.
Dù kinh tế của chị không mấy khá giả nhưng bằng tấm lòng nhân ái, sự cảm thông với người bệnh, chị luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để chia sẽ bớt những khó khăn về vật chất, nỗi đau về tinh thần mà họ phải gánh chịu. Vì vậy, khi “Chương trình Tâm thần” (nằm trong Chương trình Y tế Quốc gia) ra đời vào cuối năm 2007, với tư cách là cộng tác viên của chương trình, chị đã tích cực không ngừng nghỉ, chạy đôn, chạy đáo đến gõ cửa từng nhà vận động quyên góp quỹ để hỗ trợ, giúp đỡ bệnh nhân tâm thần. Sau những ngày vất vả ngược xuôi, chị và các thành viên đã vận động quyên góp được 5 cuốn sổ tiết kiệm, trị giá 1.000.000 đồng/sổ trao tặng cho 5 gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 20 suất gạo, mỗi suất 10 kg tặng cho những hoàn cảnh khác nhân dịp Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/2008).
Để tạo thuận lợi trong công tác vận động giúp đỡ bệnh nhân tâm thần cũng như các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác, chị luôn duy trì tốt mối quan hệ với các tổ chức, nhà hảo tâm; đồng thời, tranh thủ mở rộng mối quan hệ để có nhiều nguồn vận động quyên góp. Trong điều kiện kinh phí hoạt động của Chương trình còn hạn hẹp, nhiều khi chị dùng cả những đồng lương ít ỏi của mình cho mục đích công tác từ thiện. Ngoài việc tạo tình cảm, chị cũng chú trọng tạo uy tín và niềm tin từ các nhà hảo tâm bằng việc công khai tất cả các nguồn quỹ thu – chi và ở mỗi chương trình hoạt động từ thiện, trừ những khi bận bịu với việc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, còn lại, dù ở tận Tam Kỳ, Hội An hay Huế, chị đều một mình chạy xe máy đến tận nơi chỉ để gửi thư mời các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đứng ra trao quà cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực hết mình của chị, sau 10 năm, giờ đây “Chương trình Tâm thần” (từ năm 2012 đổi tên là “Chương trình Vòng tay nhân ái”) đã trở thành địa chỉ nhân đạo tin cậy của các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân. Nhờ đó, các hoạt động của “Chương trình vòng tay nhân ái” ngày càng được nhiều người ủng hộ, nguồn quỹ mỗi năm được duy trì và phát triển; hoạt động từ thiện của chương trình được mở rộng đến nhiều đối tượng và địa bàn. Tính từ năm 2008 đến nay, chị và các cộng tác viên đã vận động được hơn 1,2 tỷ đồng, hỗ trợ, giúp đỡ cho hàng trăm đối tượng là bệnh nhân bệnh nhân tâm, trẻ em nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, người bệnh phong, bệnh nhân ung bướu, nạn nhân chất độc da cam…trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và ở một số địa phương còn nhiều khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam như: xã A Vương, xã Bhalua, xã Bhadau…Riêng năm 2016, “Chương trình Vòng tay yêu thương” đã trao 540 suất quà, với tổng giá trị 172.000.000 đồng cho các đối tượng xã hội; tổ chức 2 đợt phát cơm trưa cho bệnh nhân nghèo, với số tiền 7.500.000 đồng.
Trên hành trình làm công tác thiện nguyện, đã có nhiều câu chuyện, nhiều mãnh đời đầy cảm động, nhưng chuyến đi để lại ấn tượng nhiều nhất trong Chị là chuyến đi bằng xe máy từ Đà Nẵng lên thôn Alua, xã Giang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam để trao trực tiếp số tiền 25 triệu đồng xây nhà tình thương cho gia đình chị Zơ Râm Thị Hiệp. Chuyến đi được bắt đầu từ 6 giờ sáng kết thúc 22 giờ đêm, mất 16 tiếng đồng hồ cho đoạn đường cả đi lẫn về chỉ khoảng 80 cây số, vì một lý do hôm đó trời mưa, đường trơn làm bánh xe không bám vào mặt đường, nhiều lúc chị tưởng chừng như xe muốn rớt xuống vực. Nhưng rồi, sau khi trao quà xong, nhìn nụ cười rạng của những khuôn mặt khi đón nhận món quà tình nghĩa chị trao, mọi sự vất vả, mệt nhọc ở chị dường như tan biến.
Tâm sự với tôi, chị bảo: “Làm công tác từ thiện tuy có vất vả, nhưng bù lại nó cũng đem lại cho mình nhiều niềm vui, niềm vui nhất là nhận được những nụ cười rạng rỡ trên gương mặt của những mảnh đời kém may mắn, chính những điều này đã tiếp thêm lửa cho tôi, những người làm công tác từ thiện”.