Thân Thị Thư: Say mê với nghề giáo

Từ một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, Thân Thị Thư bền bỉ vượt khó vươn lên với nhiều thành tích xuất sắc, thi đại học Sư phạm đỗ thủ khoa, rồi trở thành giáo viên Trường THPT Thanh Khê (TP Đà Nẵng).


Càng gần Ngày Nhà giáo Việt Nam, cô giáo Thân Thị Thư lại càng nhớ bao nhọc nhằn gian khó trên hành trình đến với nghề dạy học. Cô sinh năm 1992, ở phường Xuân Hà (Thanh Khê, Đà Nẵng) trong một gia đình đặc biệt khó khăn. Đông con, nghèo khổ, mẹ Thư từng phải bồng con vào Đồng Nai kiếm sống bằng nghề bán vé số. Tha phương, cầu thực nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng. Câu ca dao «Gánh cực mà đổ lên non/Còng lưng mà chạy, cực còn bám theo» như vận vào số phận của mấy mẹ con. Năm 2001, Thư lại cùng mẹ trở về Đà Nẵng. Về lại thành phố quê hương, Thư học bổ túc văn hóa hết cấp 1, đến lớp 6 mới thi đỗ vào Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm (phường Xuân Hà). Người mẹ nghèo lại phải tảo tần, lam lũ với bao công việc nhọc nhằn để nuôi con ăn học. Ngoài bán vé số, mẹ Thư còn đi làm thuê, buôn gánh bán bưng, phụ việc cho các hàng quán, nhưng lời lãi vẫn không đủ mua gạo nuôi 3 con nhỏ. Chị của Thư phải sớm nghỉ học để phụ mẹ nuôi hai em.

Thư và em trai đi học trong cảnh thiếu trước hụt sau. Thư nhớ mãi những lần ngồi học mà bụng đói cồn cào vì không có tiền ăn sáng. Thư không bao giờ quên những tập vở, những cây bút và chiếc xe đạp của các nhà hảo tâm đã giúp đỡ. Hình ảnh người mẹ gầy nhịn ăn nhịn mặc để cố lo cho hai con không phải bỏ học in đậm trong lòng Thư. Hình ảnh bác Trần Viết Cấn – người cán bộ khuyến học của phường Xuân Hà bao lần trao tiền hỗ trợ cho Thư cùng những lời động viên ân cần luôn khắc sâu trong tâm khảm cô nữ sinh bé nhất lớp…

Tất cả như nguồn sức mạnh thôi thúc Thư vượt khó vươn lên trên con đường học vấn và đã đạt nhiều kết quả tiêu biểu. Từ học bổ túc sang học phổ thông, nhưng cô học trò nghèo đã trở thành học sinh giỏi toàn diện, được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp. Không có tiền nộp học phí để đi học thêm, ngoài giờ học ở trường, Thư nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu để nâng cao kiến thức. Ấy vậy mà, tất cả môn học em đều đạt khá, giỏi, thường xuyên dẫn đầu lớp về các môn khoa học xã hội. Hai năm lớp 11 và 12, Thư liên tục đạt giải Nhì trong kỳ thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp thành phố.

Tốt nghiệp THPT, Thư thi vào Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đạt 24 điểm chưa nhân hệ số, đăng quang danh hiệu thủ khoa khối C, vinh dự được chọn đi dự buổi gặp mặt của Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan với thủ khoa các trường đại học và học viện năm 2012. Bốn năm trên giảng đường đại học, sinh viên Thân Thị Thư lại liên tiếp giành nhiều kết quả khả quan. Năm 2016, với tấm bằng tốt nghiệp loại Giỏi, Thư vừa ra trường đã được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm. Tiếp đó, Thư trở thành 1 trong 3 thí sinh đạt điểm cao nhất môn Ngữ Văn trong kỳ thi tuyển giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng năm 2017 và được phân công dạy môn Ngữ Văn tại Trường THPT Thanh Khê.

Trải qua bao gian nan, vất vả với một quãng đời học sinh cơ cực, những bài giảng của Thư mang đậm tính nhân văn và hơi thở cuộc sống. Chuẩn bị giáo án kỹ càng, nghiên cứu nhiều kiến thức liên quan và thoát ly giáo án trong khi giảng bài là bí quyết của cô giáo trẻ này. Trong mỗi tiết dạy, Thư không chỉ đơn thuần truyền đạt nội dung bài học, mà còn lồng ghép gieo vào lòng học sinh tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc và truyền thống anh hùng của bao thế hệ cha anh. «Thông qua bài học, mình chú tâm hướng cho các em biết liên hệ thực tế và rèn luyện kỹ năng sống», Thư chia sẻ.

Lặng lẽ giữa đời thường, cô giáo trẻ Thân Thị Thư luôn cố gắng phấn đấu làm tròn chức năng của người « kỹ sư tâm hồn ». Đối với cô, hành trình đến với sứ mệnh cao quý của nhà giáo thấm đẫm mồ hôi và chan chứa ân tình. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Khê Nguyễn Duy Thảo: Cô giáo Thư không chỉ giàu nhiệt tình tâm huyết với nghề mà còn năng động, sáng tạo trong giảng dạy, hết sức say mê học hỏi, cầu tiến và rất hăng hái trong các hoạt động xã hội, vừa được bầu vào Ban Thường vụ Đoàn Trường.

Các trao đổi mới nhất