Học tập phong cách sử dụng ngôn ngữ báo chí của Bác Hồ
Sự nghiệp báo chí của Bác Hồ rất rộng lớn, phong phú, nhiều vấn đề, bài học và kinh nghiệm quý để lại cho các thế hệ con cháu.
Nhân kỷ niệm lần thứ 128 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu đến bạn đọc tuyển tập ”Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh” của nhà nghiên cứu Nguyễn Thành. Được sự đồng ý của nhà xuất bản, Zing.vn trích đăng lại bài viết thuộc cuốn sách này:
Sự nghiệp báo chí của Bác Hồ rất rộng lớn, phong phú, nhiều vấn đề, bài học và kinh nghiệm quý để lại cho các thế hệ con cháu. Ở đây, tôi chỉ giới hạn vào việc tìm hiểu phong cách sử dụng ngôn ngữ dân tộc trên báo chí của Bác, soi vào thực trạng ngôn ngữ báo chí ta hiện nay.
Sinh thời, Bác đã nói không ít về ngôn ngữ báo chí với cán bộ ta, những người làm báo ta, đồng thời những bài viết của Bác đã sử dụng ngôn ngữ ấy một cách chặt chẽ, chuẩn xác, nhất quán.
Viết vắn tắt, dẫn đến cụt đầu, vô nghĩa
Bác Hồ viết: “Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi”. Trên truyền hình của ta, có buổi phát hình một số cán bộ cao cấp đều nói xóa mù chữ thành “xóa mù” như thế là cụt đuôi, là vô nghĩa. Mù chữ và mù mắt là hoàn toàn khác nhau, nhập làm một là sai lầm.
Bìa cuốn sách Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh.
Bác Hồ viết: “Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có thì phải dùng tiếng ta”.
Không ít nhà báo của ta mắc bệnh ham dùng chữ, không nói và viết phần nhiều, phần lớn, mà dùng chữ đa phần, không nói hiện có, mà thích nói hiện hữu, rồi bất cập, lộ trình, chế tài… nhiều người không hiểu người ta định nói gì.
Cách đây vài năm, có nạn sóng thần xảy ra tàn phá một số nước châu Á, các cơ quan nhân đạo truyền thông của ta vận động nhân dân góp phần ủng hộ tiền, quần áo cứu giúp nạn nhân sóng thần. Có buổi Truyền hình Việt Nam đưa lên màn ảnh mấy chữ “ủng hộ” “sóng thần”. Dù viết chữ “sóng thần” trong ngoặc kép hay bỏ ngoặc kép đi, mà đọc cả câu cũng là loạt “cụt đầu” vô nghĩa. Sao không viết “ủng hộ nạn nhân sóng thần”?.
Bác Hồ nói: “Có hàng vạn cái mượn như thế”. Tiếng “giúp nhau” mà Bác Hồ dùng đã vắng bóng trên báo chí, văn bản của Đảng và Nhà nước ta, bị từ “hỗ trợ” chiếm chỗ trong tiếng nói cửa miệng của mọi người, từ lãnh đạo cao cấp đến dân thường và bị bóp méo đi.
Hỗ trợ tương ứng với tiếng Việt là giúp nhau, có đi có lại, nhiều chiều. Ta thì nói: Trung ương hỗ trợ địa phương, tỉnh huyện được Trung ương hỗ trợ! Tôi đi đường thấy một chị xách một túi nặng, một chị khác đi tới hỏi: có cần hỗ trợ không đấy?
Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy chữ tại ngôi nhà ở 48 Hàng Ngang. Ảnh: Tư liệu.
Chữ nước ngoài dịch ra tiếng Việt bị dùng sai
Chữ nước ngoài, có người đọc chữ Anh theo âm Anh, người đọc chữ Anh theo âm Pháp hay tùy ý đọc bất cứ ngoại ngữ nào đều theo âm Việt. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) người đọc là Gi, Đi, Pi theo âm Anh, người đọc là Giê, Đê, Pê theo âm Pháp, người đọc là Gờ, Đờ, Pờ theo âm Việt!
Chữ EU – liên minh châu Âu viết tắt, người đọc theo âm Việt là E U, người đọc theo âm Pháp là Ơ Uy, rất tùy tiện (tiếng Anh là European Union).
Chữ US, USA dịch ra tiếng Việt cũng bị… dùng sai. US là viết tắt của United State, USA là viết tắt của United States of America. Chữ trên là Hợp chúng quốc (xin lưu ý chữ chúng, dấu sắc, không phải chủng, dấu hỏi). Chữ dưới là Hợp chúng quốc Bắc Mỹ.
Các từ điển chữ Hán, Hán – Anh, Anh – Hán, Hán – Việt đều dịch là Hợp chủng quốc, ta thay dấu sắc thành dấu hỏi, là sai.
Trên đây tôi mới đưa ra một số từ, ngữ làm dẫn chứng. Nhân kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ và ngày truyền thống của báo chí cách mạng Việt Nam, chúng ta cùng nhau bàn bạc, học tập phong cách sử dụng ngôn ngữ báo chí của Bác Hồ là một việc làm rất có ý nghĩa và bổ ích.
Trích sách “Góp phần tìm hiểu Nguyễn Ái Quốc Hồ Chí Minh”