Già làng A Bơ học tập và làm theo Bác Hồ
Là một điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum, già làng A Bơ là tấm gương, là người dẫn dắt cho người dân làng Tua Tem.
Xuất phát từ lòng yêu kính Bác Hồ, tại các thôn làng của người Xơ đăng ở tỉnh Kon Tum, việc học tập và làm theo gương Bác được người dân tự giác duy trì thực hiện. Già làng A Bơ, Bí thư Chi bộ làng Tua Tem, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum là một điển hình trong học tập và làm theo Bác Hồ trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum. Những ngày cuối tháng 8, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp, tại tỉnh Kon Tum đã có 21 trường hợp về từ vùng dịch dương tính với SARS-CoV-2. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan trong cộng đồng, Già làng A Bơ, Bí thư Chi bộ làng Tua Tem, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà thường xuyên đến từng gia đình tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện vệ sinh môi trường sống, sử dụng nước sát khuẩn, mang khẩu trang mỗi khi ra đường và trung thực khai báo khi có con em hoặc người thân về từ vùng dịch.
Mỗi lời già A Bơ nói, người dân làng Tua Tem đều ghi nhớ và tự giác thực hiện. Khi được hỏi “bí quyết” về công tác tuyên truyền, vận động đạt hiệu quả cao, Già làng A Bơ cười vui, không có “bí quyết” gì cả, mình quan tâm, lo lắng cho cộng đồng là bà con hiểu lòng mình.
“Tôi luôn bám sát vào dân, thường xuyên đi đến tận gia đình để tuyên truyền cho dân về cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế; về sự đoàn kết trong khu dân cư, về việc học hành của con cháu. Đấy là chuyện không thể thiếu được” – Già làng A Bơ nói.
Năm nay dù đã bước sang tuổi 70 song Già làng, Bí thư Chi bộ A Bơ vẫn hàng ngày có mặt khi ở làng trên, lúc lại xóm dưới. Cùng với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình thì kinh nghiệm của một người từng là giáo viên, rồi làm công tác quản lý trường học cũng giúp già rất nhiều. Có phương pháp sư phạm cộng với khả năng diễn đạt tốt, chủ trương của Đảng, Nhà nước, của chính quyền các cấp qua già A Bơ đến với bà con rất nhanh, dễ hiểu và gần gũi. Cụ thể như việc thực hiện chủ trương phát triển Đảng trong đồng bào có đạo, Chi bộ làng Tua Tem mà già làm Bí thư có 11 đảng viên thì 10 đảng viên là người có đạo.
Trong thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Chi bộ làng Tua Tem luôn dẫn đầu trong số 9 Chi bộ thuộc Đảng bộ xã.
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Long Trần Ngọc Trực, cho biết: “Đảng bộ đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Chi bộ này rất là tốt. Công tác triển khai đến từng đảng viên tốt. Có nhiều mô hình, cách làm rất hiệu quả. Đảng viên, nhân dân hưởng ứng rất tốt. Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05, Chi bộ và cá nhân đồng chí A Bơ được Đảng bộ xã giới thiệu, đề xuất đối với Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét tặng Giấy khen”.
Phát huy vai trò của mình, Già làng, Bí thư Chi bộ làng Tua Tem A Bơ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của làng và của xã Đăk Long. Cách đây 7 năm thời điểm xã Đăk Long được thành lập tỷ lệ hộ đói nghèo chiếm trên 73%. Nay con số này giảm còn 37,2%. Trong phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống, già A Bơ vừa gương mẫu đi đầu, vừa chia sẻ kiến thức, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, cao su; phòng bệnh cho trâu bò, phát triển đàn heo rừng lai…
Ông A Sự, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đắk Long cho biết, làng Tua Tem có 125 hộ dân tộc thiểu số Xơ đăng, già A Bơ là ngọn cờ đầu trong phát huy tinh thần đoàn kết, tập hợp Nhân dân, là gương sáng của gia đình và cộng đồng.
“Già làng A Bơ là người nhiệt tình, sống gương mẫu cho con cái trong nhà và cả trong thôn làng. Già làng A Bơ nói gì bà con đều nghe” – Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Đắk Long nói.
Cùng với cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, những năm gần đây ở xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, nhờ những ngọn cờ đầu như già A Bơ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Xơ đăng được giữ gìn, phát huy. Xã Đăk Long có 5 làng thì tất cả các làng đều dựng được Nhà rông đúng theo truyền thống của người Xơ đăng làm nơi sinh hoạt, học tập cộng đồng. Các đội cồng chiêng, múa xoang được duy trì và truyền lại cho thế hệ trẻ. Một số ngành nghề thủ công truyền thống, như đan lát, dệt vải…đang mở ra cơ hội cho người Xơ đăng ở đây phát triển kinh tế gia đình./.