Nhân dân Thanh Khê tổng tiến công nổi dậy giải phóng quê hương

Bị thất bại trên chiến trường Việt Nam và Campuchia, ngày 27/01/1973 đế quốc Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Hai tháng sau, ngày 29/3/1973, quân Mỹ tại Việt Nam đã làm lễ cuốn cờ, rút những tên lính cuối cùng ở Việt Nam về nước. Tuy nhiên, đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ Việt Nam. Mỹ vẫn giữ hơn hai vạn cố vấn quân sự đội lốt dân sự, lập lại bộ chỉ huy quân sự trá hình, tiếp tục viện trợ quân sự, kinh tế cho chính quyền Sài Gòn. Quân đội của Thiệu đuqược nâng lên 1,1 triệu quân, tổ chức thành 4 quân đoàn với 1.850 máy bay các loại, 2.074 xe tăng, 1.601 tàu chiến, 1.588 khẩu pháo và hàng triệu tấn vật tự, phương tiện chiến tranh khác.

Một căn cứ quân sự của Mỹ ở Đà Nẵng trước 1975

Nhận được viện trợ tuy ít hơn trước nhưng được cố vấn Mỹ chỉ huy, ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên phá hoại Hiệp định Pari, huy động gần như toàn bộ lực lượng, tiến hành chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ”, liên tiếp mở ra những cuộc hành quân lấn chiếm các vùng do ta kiểm soát. Mục đích của địch là chiếm đất giành dân, xóa bỏ hình thái “da báo”, mở rộng và củng cố vùng chúng kiểm soát, thu hẹp và tiến tới xóa bỏ vùng giải phóng. Ở các vùng tạm bị địch chiếm, đặc biệt là vùng đô thị lớn, chúng ráo riết tiến hành các chiến dịch “bình định”, “thanh lọc”, bắt lính, dồn dân, bắt bớ tù đày và giết hại cán bộ, cơ sở và quần chúng cách mạng. Thực chât chủ trương, hành động của ngụy quyền Sài Gòn từ khi có Hiệp định Pari là sự tiếp tục chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ khi lực lượng quân đội Mỹ không còn trực tiếp chiến đấu ở Đông Dương.
Về phía ta, Hiệp định Pari được ký kết đã chấm dứt sự có mặt của quân đội Mỹ trên đất nước ta, tạo nên sự thay đổi trong so sánh lực lượng giữa ta và địch, nghiêng hẳn về phía có lợi cho ta, tạo điều kiện cho nhân dân 2 miền Nam, Bắc đẩy mạnh đấu tranh chống lại âm mưu, thủ đoạn mới của Mỹ-Thiệu.
Tuy nhiên, lúc này ta chưa đánh giá hết âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của địch, mất cảnh giác, buông lỏng bạo lực cách mạng và tư tưởng tiến công, thiếu phát huy sức mạnh tổng hợp của 3 thứ quân. Quân chủ lực của ta được lệnh rút về căn cứ. Lực lượng vũ trang địa phương phải chống đối với địch một cách bị động. Phong trào đấu tranh của quần chúng bị núng thế. Trong lúc đó, địch vừa có điều kiện ổn định vùng tạm chiếm, vừa tập trung lực lượng lần lượt đánh chiếm hết khu vực này đến khu vực khác. Vùng giải phóng bị thu hẹp. Nhiều cán bộ của ta bị bật ra khỏi địa bàn xung yếu. Công tác giành dân, giữ dân và củng cố phong trào đô thị gặp nhiều khó khăn.
Nắm bắt tình hình trên, tháng 7/1973, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) đã họp hội nghị lần thứ 21. Trên cơ sở nhận định kẻ thù vẫn là Mỹ-Thiệu, kẻ đang phá hoại Hiệp định Pari, ngăn cản nhân dân ta đi tới độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Trung ương Đảng đã xác định nhiệm vụ cơ bản của cách mạng miền Nam trong giai đoạn hiện tại là tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và nhấn mạnh tiếp tục con đường cách mnạg bạo lực, nắm vững chiến lược tiến công, kiên quyết đấu tranh trên cả 3 mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao, với tinh thần chủ động, linh hoạt cao, không ngừng giữ vững và phát triển lực lượng cách mạng về mọi mặt; đánh thắng từng bước và chủ động trong mọi tình huống nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Dưới ánh sáng Nghị quyết hội nghị lần thứ 21 của Trung ương Đảng, hội nghị Khu ủy V tháng 7/1973 đã chỉ rõ: nhiệm vụ trung tâm lúc này là ra sức đánh bại “bình định lấn chiếm” của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực và hướng tiến công chủ yếu của ta là vùng địch tạm chiếm.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Khu ủy V, Đại hội đại biểu Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà họp từ ngày 04 đến ngày 09/10/1973 đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Đảng bộ là ra sức đánh bại lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển lực lượng của ta. Hướng tấn công chủ yếu của ta nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch. Từ đây, ta đã liên tiếp mở các đợt phản công và tiến công địch. Phong trào cách mạng của Đảng bộ và nhân dân quận Nhì nhanh chóng có những bước phát triển mới.
Tháng 11/1972, đồng chí Đặng Đình Vân, Bí thư Quận ủy hy sinh trên đường trở về cơ quan sau đợt công tác. Đặc Khu uỷ Quảng Đà đã quyết định đồng chí Võ Thanh Hùng về lại quận Nhì giữ chức Bí thư Quận ủy, đồng chí Hồ Phúc Ngôn, Quận đội phó lên làm Quận đội trưởng thay đồng chí Đặng Đình Vân. Quận ủy quận Nhì lúc này gồm các đồng chí Võ Thanh Hùng-Bí thư, Lê Trọng Tài-Phó Bí thư, Phan Văn Tải, Ngô Thị Hưỡn, Nguyễn Ngọc Bé, Phạm Hồng Phương, Nguyễn Phước Trưởng-Quận ủy viên (đồng chí Phạm Phú Long đã hy sinh vào tháng 5/1972).
Trong cao trào giữ đất, giành dân sau khi Hiệp định Pari được ký kết, quân và dân quận Nhì đã tổ chức cắm cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam và diệt ác ôn tại ngã ba Hòa Khánh giữa ban ngày.
Cuối năm 1973, đầu năm 1974, Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định chia các quận Nhất, quận Nhì, quận Ba thành 5 quận, trong đó quận Nhì được chia thành quận Nhì và quận Tư. Quận Nhì gồm có Thanh Khê, Hà Khê, Phú Lộc, An Khê, Xuân Đán, Phục Đán, Xuân Hòa, Thuận An. Quận ủy quận Nhì gồm 7 đồng chí, do đồng chí Võ Thanh Hùng làm Bí thư. Quân Tư gồm Thạc Gián, Vĩnh Trung, Tân Chính, Tam Tòa, Chính Gián. Quận ủy quận Tư gồm 3 đồng chí, do đồng chí Lê Quân làm Bí thư. Đến cuối năm 1974, Đặc Khu ủy Quảng Đà quyết định hợp nhất 5 quận thành 3 quận, trong đó hợp nhất quận Nhì và quận Tư thành quận Nhì. Lục bấy giờ đồng chí Võ Thanh Hùng được đề bạt giữ chức Phó Chủ tịch Mặt trận Đặc khu Quảng Đà, nên đồng chí Lê Quân thay đồng chí Võ Thanh Hùng giữ chức Bí thư, đồng chí Lê Trọng Tài giữ chức Phó Bí thư Quận ủy. Cơ quan Quận ủy đóng tại Hố Chuối ở đèo Hải Vân.
Thực hiện chủ trương của Đảng về tiếp tục con đường cách mạng bạo lực và nắm vững chiến lược tiến công, phong trào cách mạng ở quận Nhì có những chuyển biên rất cơ bản. Phong trào chống Mỹ-Thiệu phát triển dưới hình thức tố cáo ngụy quyền vi phạm Hiệp định Pa rri, tham nhũng, đòi hạ giá bán gạo và cứu đói.
Đầu năm 1974, ở Sài Gòn ra đời một số tổ chức công khai hợp pháp chống chiến tranh, đòi tự do, hòa bình, cơm áo, hòa giải dân tộc, cứu đói và chống tham nhũng,…Nhân dân quận Nhì đã tích cực hưởng ứng các phong trào này. Cùng với phòng trào đấu tranh chính trị, phong trào đấu tranh vũ trang cũng được đẩy mạnh. Ta tổ chức đánh địch ở nhiều nơi, với những hình thức khác nhau. Mục tiêu chính của ta lúc này là sân bay Đà Nẵng, một số cơ sở đóng quân và hậu cần của địch.
Tháng 7/1974, ta mở chiến dịch giải phóng Nông Sơn – Trung Phước và giải phóng Thượng Đức. Phối hợp với chiến trường Quảng Đà, đêm 19 rạng ngày 20/7/1974 ta mở trận pháo kích vào sân bay Đà Nẵng và một số vị trí đóng quân, cơ sở hậu cần của địch ở An Khê, Phước Tường. Đến 11/10/1974, lực lượng biệt động của quận đã đánh đồn nghĩa quân ở Phú Lộc, tiêu diệt và bắt sống một trung đội địch.

Sân bay Đà Nẵng trước 1975

Ngày 29/11/1974, một cơ sở nội tuyến của ta đã đánh kho bom sân bay Đà Nẵng; hàng trăm tấn bom, đầu đạn hỏa tiễn và nhiều loại đạn dược bị phá hủy. Một số máy bay của đich tại sân bay bị hư hại; buộc địch phải cho sân bay ngừng hoạt động cho đến ngày 02/12/1974.
Cuối năm 1974, đầu năm 1975, tình hình so sánh lực lượng giữa ta và địch ở miền Nam thay đổi mau lẹ, nghiêng hẳn về phía có lợi cho ta. Trước tình hình đó, hội nghị Bộ Chính trị từ ngày 30/9 đến ngày 07/10/1974 đã hạ quyết tâm hoàn thành giải phóng miền Nam trong vòng 2 năm 1975-1976.
Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/01/1975, Bộ Chính trị họp hội nghị mở rộng, rà xét tình hình và so sánh lực lượng địch-ta ở miền Nam, nhất là tình hình sau khi giải phóng hoàn toàn tỉnh Phước Long vào ngày 06/01/1975. Ngoài kế hoạch chiến lược 2 năm 1975-1976, Bộ Chính trị chỉ rõ “cả năm 1975 là thời cơ” và “nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975″.
Đầu tháng 02/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn thị xã Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu cho trận then chốt mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam. Ngày 24/3/1975 ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, cũng vào ngày này thị xã Tam Kỳ được giải phóng và ngày 25/3/1975 ta giải phóng Quảng Ngãi, ngày 26/3 giải phóng Huế.
Ở Đà Nẵng, trước ngày chiến dich Tây Nguyên mở màn, lực lượng của địch gồm có 3 sư đoàn bộ binh, 01 sư đoàn thủy quân lục chiến, 01 sư đoàn không quân, 07 tiểu đoàn pháo binh, 07 tiểu đoàn thiết giáp và 15 tiểu đoàn bảo an. Bộ máy kìm kẹp của địch còn nguyên vẹn. Từ ngày 25/3, tàn quân ngụy từ miền Nam đổ ra, từ Trị Thiên đổ vào Đà Nẵng, quân số của địch tại Đà Nẵng tăng lên trên 10 vạn quân. Phương tiện, khí tài chiến tranh còn 174 máy bay các loại, 220 khẩu pháo 105, 107 ly; 70 xe tăng, thiết giáp. Đông đúc nhân dân tại các vùng chiến sự đang diễn ra, nhất là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đổ về Đà Nẵng. Một số tàn quân ngụy ở các nơi đổ về cướp bóc, bắn giết nhân dân. Tình hình trên đã khiến Đà Nẵng nhanh chóng lâm vào tình cảnh hỗn loạn, đặc biệt vào ngày 28/3.
Ngày 25/3, Trung tướng Ngô Quang Trưởng-Tư lệnh Quân đoàn I ra lệnh thiết quân luật nhưng lệnh không được thi hành. Đến 22giờ ngày 25/3, dân chúng, xe cộ vẫn chen chúc trên các đường phố, bến tàu. Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố “tử thủ Đà Nẵng”, chuyển thêm 20.000 khẩu súng các loại ra Đà Nẵng để tăng cường cho quân ngụy ở đây. Mặt khác, Mỹ-ngụy dùng 4 máy bay bô-ing và trên 20 tàu biển cỡ lớn vận chuyển số người di tản vào Cam Ranh, Sài Gòn. Tuy nhiên, diễn biến tình hình trên chiến trường Khu V và Quảng Đà cho thấy việc “tử thù Đà Nẵng” của địch chỉ là ảo tưởng.
Từ sau chiến dịch Tây Nguyên được mở màn, lực lượng của ta ở các quận tại Đà Nẵng phát triển rất mạnh. Tại quận Nhì, Quận ủy tăng cường xây dựng, củng cố các bàn đạp ở vùng ven thành phố, chỉ đạo các chi bộ và lực lượng nòng cốt ở các phường tích cực hoạt động, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương.
Ta đẩy mạnh xây dựng thực lực cách mạng, phát triển cơ sở, một người bắt rễ xâu chuỗi hàng chục người. Ở Thạc Gián, trung đội tự vệ được hình thành. Chi bộ xóm Cây Da cháy (chi bộ 2, Điện Thọ-Điện Bàn được cử vào thành phố cuối năm 1967) được giao nhiệm vụ bám sát chi khu quận lỵ quận Nhì của địch, theo dõi tình hình bọn sĩ quan, nhân viên hành chính ở đây, đồng thời xây dựng quần chúng cốt cán để huy động quần chúng tham gia chiếm lĩnh trụ sở hành chính của địch khi có lệnh của Ban khởi nghĩa. Hai Đại đức và tăng ni là cơ sở cách mạng ở chùa Tân An (phường Tân Chính) được triệu tập về Điền Sơn để tiếp thu chính sách Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và nhận nhiệm vụ vận động quần chúng Phật tử xuống đường đấu tranh chống Mỹ-ngụy.
Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị cho Khu ủy và Quân khu ủy V “chuẩn bị tích cực và khẩn trương cho cuộc tiến công vào Đà Nẵng”. Đến ngày 22/3/1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chỉ thị khẩn cấp cho Khu ủy và Quân khu ủy V: “Địch rút bỏ Huế và không loại trừ khả năng rút bỏ Đà Nẵng, chuẩn bị tích cực đánh Đà nẵng theo phương án đã dự kiến”.
Ngày 23/3/1975, Thường vụ Khu ủy và Quận khu ủy V họp mở rộng, quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Khu ủy nêu quyết tâm, phấn đấu trong thời gian ngắn nhất giải phóng hoàn toàn Khu V, trong đó chiến trường chính được xác định là thành phố, thị xã và mục tiêu chủ yếu là thành phố Đà Nẵng.
Đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy V chỉ đạo cho Đặc khu ủy Quảng Đà: “Thời cơ đã đến, chúng ta nhất quyết phải nắm lấy thời cơ. Dù quân chủ lực chưa tới kịp thì lực lượng vũ trang địa phương cùng lực lượng chính trị vẫn phải nỗ lực giải phóng Đà Nẵng cho bằng được theo 3 phương án sau đây: (1) Nếu quân chủ lực của ta chưa đến kịp trong tình thế địch tan rã, rút chạy thì nhanh chóng dùng lực lượng vũ trang địa phương kết hợp với lực lượng quần chúng giải phóng thành phố. (2) Nếu trong tình thế địch tan rã, rút chạy, quân chủ lực của ta đến kịp thì nhanh chóng huy động lực lượng vũ trang địa phương và lực lượng quần chúng khởi nghĩa phối hợp với quân chủ lực để giải phóng thành phố. (3) Nếu địch co cụm và chống trả, buộc ta phải dùng binh lực lớn để tiến công thì chuẩn bị cho quần chúng kịp thời phối hợp hành động khi thời cơ đến.
Trong 3 phương án đó, phải hết sức tranh thủ tình huống và phương án 1, 2. Phải làm thật tốt 3 yêu cầu trong khi tiến hành giải phóng Đà Nẵng là: Phải làm tan rã đich một cách triệt để; không để địch di tản dân; phải bảo vệ đến mức cao nhất tính mạng, tài sản của nhân dân và các kho tàng”.
Ngày 24/3/1975, Đặc Khu ủy Quảng Đà họp mở rộng, quyết định một số vấn đề cấp bách đối với nhiệm vụ giải phóng Đà Nẵng: (1) Trong thời gian ngắn nhất phải thành lập xong các Ủy ban khởi nghĩa từ thành phố đến cơ sở. Các ngành Dân vận, Mặt trận của các quận ở Đà Nẵng đều hình thành bộ phận chỉ đạo khởi nghĩa và lực lượng quần chúng nổi dậy để chiếm lĩnh các mục tiêu theo dự kiến đã định. (2) Nhanh chóng sắp xếp lại lực lượng chính trị và vũ trang bên trong với tư thế sẵn sàng nổi dậy. (3) Thành lập các Ban vận động nắm dân từ nông thôn chạy ra thành phố, phát động hình thành lực lượng nòng cốt nổi dậy. (4) Thành lập Ban chỉ huy tìên phương để chỉ đạo trực tiếp cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố.
Ngày 25 và 26/3/1975, mệnh lệnh  khởi nghĩa của Đặc Khu ủy Quảng Đà được truyền đạt. Lúc này Quận ủy quận Nhì đã rời căn cứ Hố Chuối. chuyển địa bàn đứng chân từ phía Bắc sang phía Nam sông Thủy Tú để gần thành phố hơn.

Trong 2 ngày 27 và 28/3/1975, quận Nhì và toàn thành phố Đà Nẵng ở trong tình trạng hỗn loạn đến tột độ. Từng dòng người, gồm sỹ quan, binh lính, nhân viên ngụy quyền, người di tản chen chúc ở sân bay và Hải cảng Đà Nẵng chen nhau lên máy bay, tàu thủy để di tản; các vụ giết người cướp của diễn ra. Tình trạng hỗn loạn đã làm cho máy bay  khó cất cánh, tàu thủy khó nhổ neo. Trung tướng tư lệnh Quân đoàn I Ngô Quang Trưởng đã phải đưa quân đến sân bay lập lại trật tự nhưng vẫn bất lực.
Những ngày trước đó, Nguyễn Văn Thiệu hò hét “tử thủ Đà Nẵng” nhưng đến ngày 28/3/1975, ý chí đó của Thiệu đã tiêu tan. Đêm 28/3, Ngô Quang Trưởng cùng đám sỹ quan thuộc hạ đã trốn chạy khỏi Đà Nẵng.
Theo chủ trương của ta, kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sẽ bắt đầu vào sáng 30/3/1975. Nhưng khi nhận được tin tướng Ngô Quang Trưởng đã chạy khỏi Đà Nẵng, quân địch không còn người chỉ huy, mất sức kháng cự, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà liền hạ quyết tâm: “Vào Đà Nẵng ngày 29/3/1975″ nên điện xin ý kiến của Thường vụ Khu ủy V và được Thường vụ Khu ủy V chấp nhận.
Sáng 29/3/1975, quân ta từ các hướng Bắc, Tây, Tây Nam và Nam được lệnh bỏ qua các mục tiêu bên ngoài để cơ động, tiến nhanh vào thành phố. Ở nội thành, Trung đoàn 96, bộ đội đặc công, tiểu đoàn 491, lực lượng biệt động Lê Độ chiếm lĩnh Tòa Thị chính, Quân vụ thị trấn, Đài phát thanh, Kho bạc, … Ở phía Đông, tiểu đoàn 79 tiến đánh căn cứ Nước Mặn, cắt đứt đường rút quân của địch ra cảng Tiên Sa. Sáng ngày 29/3 ta phát lệnh khởi nghĩa và giao nhiệm vụ cho các Ủy ban khởi nghĩa các quận, khu phố và các đơn vị phát động quần chúng nổi dậy chiém lĩnh các mục tiêu đã được phân công, hoàn toàn làm chủ thành phố.

Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng

Tại quận Nhì, cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng quận diễn ra hết sức khẫn trương. Ngày 28/3, nhận được điện hỏa tốc của Đặc Khu ủy Quảng Đà, đồng chí Lê Quân, Bí thư Quận ủy đã cấp tốc lên Trung Mang gặp đồng chí Phạm Đức Nam, Phó Bí thư Đặc Khu ủy để nghe truyền đạt chủ trương giải phóng Đà Nẵng. Khi đồng chí Lê Quân đến Trung Mang thì đồng chí Phạm Đức Nam đã rời nơi đây và chỉ nhận được bức mật lệnh giải phóng Đà Nẵng sớm một ngày. Đến tối 28/3, tuy chưa trực tiếp nhận được lệnh của Đặc Khu ủy Quảng Đà, nhưng qua liên hệ với lãnh đạo các quận bạn, Quận ủy quận Nhì đã thành lập các Ủy ban khởi nghĩa ở An Khê, Thanh Lộc Đán, Hà Tam Xuân, đồng thời chuẩn bị lực lượng quân sự, chính trị ở bên trong và bên ngoài để giải phóng quận.
8giờ sáng ngày 29/3/1975, đội công tác vũ trang cánh Bắc gồm các dồng chí Trương Văn Trung, Phạm Tấn Lực, Nguyễn Giỏi, Nguyễn Phước Trưởng, Nguyễn Quế, Lê Viết Côi, Võ Thị Cúc (Xuân) và đồng chí Mười Lan do đồng chí Lê Trọng Tài chỉ huy, từ Hòa Khánh, Hòa Minh tiến thẳng vào nội thành, phối hợp với lực lượng quần chúng chiếm lĩnh quận lỵ quận Nhì. Ủy ban khởi nghĩa bến xe lam chợ Cồn cắm cờ giải phóng vào xe lam chạy trên đường phố phát loa kêu gọi quần chúng xuống đường. Địch bắn rách cờ, ta thay cờ khác và tiếp tục đi cổ động đồng bào nổi dậy khởi nghĩa. Hơn 700 anh chị em đang bị địch giam tại nhà lao Kho Đạn có sự phối hợp từ bên ngoài, đã tổ chức phá nhà lao, hòa nhập vào cao trào nổi dây.
Đến 13 giờ ngày 29/3, xe tăng của bộ đội chủ lực xuất hiện tại ngã ba Huế để từ đây tiến vào thành phố. Lực lượng khởi nghĩa quận Nhì nổi dậy bao vây, áp đảo lính ngụy, không để chúng nổ súng bắn vào bộ đội của ta. Ngay cả các gia đình ngụy quân cũng cản ngăn không cho bọn lính ngụy gây tội ác. Bọn ngụy quân bị bao vây trong biển người đang hoan hô chào đón quân giải phóng tiến vào thành phố.
Hai đội công tác cánh Nam-Cầu Đỏ, sau khi được đồng chí Hồng Quang, Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà truyền đạt mệnh lệnh đã nhanh chóng lên xe của cơ sở từ trong nội thành ra đón vào thành phố để phối hợp với các đội tự vệ trong nội thành chiếm lĩnh các phường Vĩnh Trung, Thạc Gián, Chính Gián, Tân Chính. Tại nhà ga xe lửa Đà Nẵng, lực lượng cơ sở của ta nổi dậy làm chủ nhà ga, bảo vệ nguyên vẹn máy móc, tài sản. Đặc biệt, tại trụ sở địch ở Hà Tam Xuân, cơ sở của ta treo cờ giải phóng từ 7giờ sáng ngày 29/3. Đồng chí Lê Trọng Tài, ngay sau khi vào nội thành đã họp các Ủy ban khởi nghĩa Xuân Đán, Hà Khê, Thanh Khê, An Khê phân công đi chiếm lĩnh trụ sở ngụy quyền ở các phường và phát loa kêu gọi tàn binh địch đầu hàng. Đến 12 giờ ngày 29/3 ta chiếm lĩnh tất cả các cơ quan ngụy quyền tại quận Nhì và tiếp tục chiếm lĩnh các cơ quan ngụy tề, trại lính ngụy trong toàn quận.
Ngày 30/3/1975, Ủy ban quân quản quận Nhì được thành lập do đồng chí Lê Quân, Bí thư Quận ủy làm Chủ tịch, đồng chí Lê Trong Tài, Phó Bí thư, Chủ tịch Mặt trận quận và thiếu tá Hồ Kỳ Mưu, Trưởng Ban chính trị của tỉnh đội làm Phó Chủ tịch Ủy ban quân quản. Ngay sau đó, đồng chí Lê Quân được điều về làm Phó Ty Công an tỉnh và đồng chí Lê Trọng Tài đựơc cử  làm Chủ tịch Ủy ban quân quản quận Nhì. Quận ủy và Ủy ban quân quản quận Nhì khẩn trương triển khai chỉ thị của Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà về một số nhiệm vụ khẩn cấp: Thu súng địch, tách súng ra khỏi lính, tách lính ra khỏi sỹ quan, tập trung cải tạo sỹ quan ngụy, giãn dân về quê cũ, đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự trong thành phố mới giải phóng,…
Từ ngày 01/4 đến ngày 10/4/1975, với chính sách khoan hồng của chính quyền cách mạng, đã có 15.320 ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện. Song song với đó, hàng vạn đồng bào Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi bị dồn vào Đà Nẵng ở trên địa bàn quận Nhì đã được tạo điều kiện lần lượt trở về quê cũ. Ngày 31/3/1975, các chợ đông trở lại, cơ quan, công sở, trường học, .. hoạt động trở lại trong sự quản lý của chính quyền cách mạng. Ngày 01/4/1975 các khu phố huy động thanh thiếu niên tham gia tổng vệ sinh thành phố.
Ngày sau khi Đà Nẵng giải phóng, Đảng bộ và nhân dân quận Nhì tích cực tham gia vận động phương tiện vận tải đang có để vận chuyển bộ đội hành quân vào Nam tham gia giải phóng Sài Gòn.

Nguồn: Lịch sử Đảng bộ quận Thanh Khê

Các trao đổi mới nhất