Dọc hành trình theo dấu chân Bác

Dọc hành trình theo dấu chân Bác, chúng tôi đến với những mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và gặp gỡ những con người đặc biệt. Họ không chỉ là nhân chứng sống của “ngày xưa năm ấy” mà còn là người chứng kiến sự đổi thay của quê hương trong chặng đường phát triển. Họ đã gìn giữ những tư liệu lịch sử quý giá, trao truyền niềm tin và tình yêu Tổ quốc cho lớp trẻ chúng tôi. Những cảm xúc sâu lắng đó là dấu ấn không bao giời phai mờ và trở thành hành trang quý giá theo chúng tôi trong suốt những năm tháng cầm bút sau này.

Nam Tiến, lời Người còn vang

Giai đoạn lịch sử 1960 – 1963 là những năm tháng sôi động của nhân dân miền Bắc đang phấn khởi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Là đơn vị điển hình tiên tiến về năng suất lúa cao sản của tỉnh Phú Thọ và có thành tích bước đầu về tổ chức sản xuất, cán bộ và xã viên hợp tác xã (HTX) Nam Tiến (nay là thị trấn Lâm Thao) đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Theo chân Bí thư Đảng ủy thị trấn Nguyễn Trung Hiển, chúng tôi tìm đến nhà cụ Triệu Văn Lựu (89 tuổi) – người đảm nhiệm chức kế toán trưởng của HTX Nam Tiến và cũng là nhân chứng lịch sử được gặp, nói chuyện với Bác cách đây gần 60 năm. Anh Dụng – cháu trai cụ khẽ nói: “Ông cụ bị ốm mấy hôm nay, nhưng nghe tin có đoàn về xin được nghe chuyện gặp Bác Hồ cụ vẫn nhất quyết muốn gặp. Cụ tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng vẫn nhớ từng chi tiết, từng lời nói ân tình Bác căn dặn năm nào”.

Bắt đầu câu chuyện, cụ Lựu đọc cho chúng tôi nghe mấy vần thơ Tố Hữu: “Bác vẫn đi kia giữa cánh đồng. Thǎm từng ruộng lúa, hỏi từng bông. Ghé từng hợp tác, qua thôn xóm. Xem mấy trường tươi, mấy giếng trong”… “Bác Hồ của chúng ta đấy, giản dị lắm các cháu ạ, Bác phải lo toan bao việc nhưng vẫn rành rẽ chuyện đồng áng, hiểu sâu sắc cuộc sống và gần gũi với người nông dân đến vậy” – cụ Lựu chia sẻ.

Nhớ về Bác Hồ, khuôn mặt cụ bỗng rạng lên niềm vui, niềm tự hào: “Trước ngày Bác về, chúng tôi chỉ biết sẽ có lãnh đạo cấp cao đến thăm và chuẩn bị đón. Mà chuẩn bị lúc bấy giờ chỉ có kê lại mấy cái bàn, trải thêm chiếc khăn. Sáng ngày 19/8/1962, đúng 8 giờ 30 phút, Bác đến cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Lâm Thao. Bác đi thẳng vào sân trụ sở HTX để gặp gỡ và nói chuyện với cán bộ, xã viên. Bác hỏi thăm sức khỏe và việc thu hoạch vụ mùa vừa qua của bà con, rồi Bác nhắc đến một số công tác của HTX, căn dặn bà con phải đoàn kết xây dựng HTX, đoàn kết với công nhân các nhà máy để phát triển sản xuất và cải thiện đời sống”. Nhấp ngụm trà, cụ tiếp tục câu chuyện: “Trước khi ra về, Bác tới thăm nhiều gia đình, bà con xã viên Nam Tiến người mang dừa, người đem bí ngô đến biếu. Bác vui vẻ nhận, cảm ơn và tặng lại bà con. Cuối năm 1962, HTX Nam Tiến ươm được cây dừa có hai mầm, bà con cử chủ nhiệm Ngô Thiên Tuế và Bí thư Đoàn Vũ Thị Thinh mang về Hà Nội biếu Bác. Gốc dừa hai mầm đã được trồng và lên xanh tốt tại vườn Phủ Chủ tịch. Năm 1964, Người đã viết trên Báo Nhân dân, biểu dương kết quả vụ mùa của HTX. Năm 1966, thực hiện tốt lời dạy của Người, HTX Nam Tiến lại gặt hái được nhiều thành tích. Từ Thủ đô, Bác lại viết thư riêng khen ngợi HTX Nam Tiến. Bức thư có đoạn viết: “Bác rất vui lòng, thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi các xã viên và cán bộ Nam Tiến đã ra sức thi đua tăng năng suất lúa”. Bác cũng căn dặn “Không nên chủ quan, thỏa mãn, mà phải cố gắng hơn nữa để đạt nhiều thành tích về các mặt”.

Từ đó đến nay, chưa bao giờ người “kế toán” Triệu Văn Lựu quên lời Bác dặn. Giờ đây tuổi đã cao, chân đã trùng, cụ vẫn ngày ngày nhắc nhở cháu con phải chăm chỉ lao động sản xuất, giúp đỡ nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Tiếp lời cụ Lựu, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nguyễn Trung Hiển hào hứng: “Khắc ghi lời Bác, phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, người dân thị trấn Lâm Thao ngày nay đã đưa khoa học kĩ thuật vào sản xuất, mạnh dạn thử nghiệm các giống cây trồng mới, kỹ thuật chăm sóc tiên tiến mang lại những sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao”. Nói rồi, ông đưa chúng tôi tới thăm mô hình trồng cây nhà kính công nghệ cao mà HTX Nông nghiệp thị trấn Lâm Thao đang đầu tư xây dựng. Được biết, HTX là một trong những đơn vị đi đầu trong hoạt động kinh tế tập thể của toàn huyện, đã chuyển đổi sang mô hình HTX kiểu mới từ tháng 7/2016, mang lại thu nhập ổn định cho 20 thành viên, cung cấp cho thị trường những dịch vụ và sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Ngắm những ruộng hoa đang độ lên nụ, những cánh đồng dưa hấu cà chua tươi tốt, chuyện trò với các anh chị thành viên HTX, chúng tôi cảm nhận rõ tình yêu và sự hăng say lao động của người dân Lâm Thao. Nam Tiến xưa giờ đã thay da đổi thịt, phát triển thành một thị trấn giàu đẹp văn minh. Tất cả là nhờ bàn tay, khối óc của người dân nơi đây. Rời thị trấn, câu nói của anh Triệu Văn Hòa – Giám đốc Nông nghiệp thị trấn Lâm Thao vẫn văng vẳng bên tai chúng tôi: “Khó khăn đến mấy thì chúng tôi cũng không chịu thua đâu, phải đi từ đất quê mình đi lên!…”

Vinh Quang – lần cuối Người về

Chúng tôi chọn xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy là điểm dừng chân sau cùng trong chuỗi ngày theo dấu chân Bác bởi về thăm xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá) cũng là lần cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Phú Thọ. Men theo con đường ven sông chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Văn Bỉnh – nguyên Ủy viên Thư ký Ủy ban xã Vinh Quang. Cụ Bỉnh đã 92 tuổi, tai đã nặng, mắt đã mờ nhưng những ký ức về ngày ấy Bác về vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cụ. Tôi không rõ cụ đã kể câu chuyện ấy bao nhiêu lần, cho bao nhiêu người, thế nhưng khi kể cho chúng tôi giọng cụ vẫn tràn đầy xúc động.

Chuyện bắt đầu từ năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cả nước thi đua thực hiện “Tết trồng cây”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang đã phát động nhân dân toàn xã trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, đưa nhiệm vụ trồng cây thành một chỉ tiêu phấn đấu. Thời kỳ đó, xã có 49 kiện tướng trồng cây. Trên 700 cụ phụ lão đã nhận đặc trách việc ươm cây giống. Chỉ sau một thời gian, 55 đồi đá ong hóa của xã được trồng hơn 1,6 triệu cây các loại, tương đương với 200ha. Nhờ tinh thần ấy, xã Vinh Quang đã trở thành đơn vị điển hình để các địa phương học tập và vinh dự được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Vì vậy, ngày 26/1/1964, Đảng bộ và nhân dân xã Vinh Quang vinh dự được Bác Hồ về thăm.

Bên ấm chè thơm, đĩa sắn nóng, cụ Bỉnh từ tốn kể từng chi tiết nhỏ: “Điều làm cho tất cả mọi người bất ngờ là Người đã không vào nơi đón tiếp được chuẩn bị sẵn mà Bác lên đồi thăm cây, rồi tới vườn đỗ triều, trại chăn nuôi, trường học. Những đường mời Bác, Bác không đi. Bác bảo, Bác đi đường nào tùy Bác. Trên đường về đình Đào Xá, Bác có vào thăm hai nhà. Một nhà thấy có hai mẹ con ngồi nướng sắn, Bác cho kẹo, đứa con ngửa tay ra, thấy tay bẩn, Bác dặn phải vệ sinh cho các cháu. Thăm nhà chị Tĩnh, Bác hỏi thăm đời sống của chị rồi chỉ vào một chỗ nói: “Chỗ này nên trồng cây đào để ăn quả và lấy bóng mát”. Chiều ấy, mẹ con nhà chị Tĩnh đi xin được cây đào về trồng ngay”…

Ở sân đình, Bác thấy có cái dây chắn ngang, nhân dân không được vào. Bác bảo, Bác về là về với nhân dân, phải để cho nhân dân vào với Bác. Lúc đó cái dây chắn được bỏ ra, nhân dân ùa vào hô: Bác Hồ muôn năm! Trên phản kê bục nói chuyện có trải chiếc chiếu hoa, Bác gạt chiếu sang một bên rồi mới đứng lên. Hôm đó mưa phùn, gió rét, nhưng khi nói chuyện, Bác để mũ xuống bàn, có người đội lên cho Bác, Bác lại bỏ xuống. Hôm đó Bác có hỏi: Các cụ phụ lão ở đây đã trồng được cây, thanh niên đã làm được chưa? Có một chị tên Lã Thị Hoà đứng lên báo cáo với Bác rằng, các cụ làm được tốt nhưng các cháu chưa làm được tốt. Chúng cháu xin hứa sẽ học tập các cụ để trồng cây, bảo vệ cây cho tốt. Rồi Bác mới nói: “Xã Vinh Quang không tự mãn với thành tích của mình. Sau mười năm nữa thì sẽ có một kho vàng vô tận”.

Thời gian trôi qua, xã Đào Xá đã có nhiều đổi thay. Cây đa khi xưa Bác trồng trên đồi Bạch Thạch tiếc đã không còn, nhưng thay vào đó là Vườn cây Bác Hồ với những hàng cây tươi tốt do nhân dân Đào Xá vun trồng, chăm sóc. Cụ Bỉnh nói với chúng tôi mà như nói với chính mình: “Thế hệ chúng tôi rồi cũng phải ra đi theo quy luật của tạo hóa. Chỉ mong sao Khu lưu niệm nơi Bác Hồ dừng chân này được bảo tồn cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là chứng tích vô giá mà không phải nơi nào cũng có được”.

Về thăm Đào Xá hôm nay, nhiều người chúng tôi gặp, khi đó còn chưa sinh ra, nhưng nhắc đến sự kiện Bác về thăm, họ rõ như chính mình được chứng kiến vậy. Điều đó chứng minh rằng, thời khắc Người về đã trở thành dấu ấn không phai không chỉ với lớp người đi trước như cụ Bỉnh, mà đối với cả thế hệ trẻ ngày hôm nay. Chủ tịch UBND xã Đào Xá Lê Anh Đoàn khẳng định: “Phong trào trồng cây gây rừng đã được phát huy, nhân rộng trong xã. Toàn xã đã đẩy mạnh việc trồng cây phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường, môi sinh, giữ nguồn nước, nâng độ che phủ của rừng, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với diện tích đất lâm nghiệp trên 500ha, hằng năm xã đã quy hoạch trồng rừng nguyên liệu, trồng cây sơn lấy nhựa. Một số hộ ở khu vực Ba Tri còn xây dựng đất đồi thành trang trại với nhiều loại cây giá trị. Người dân đã gắn bó với rừng, làm giàu từ rừng”. Không chỉ riêng Đào Xá, khắc ghi lời Bác, hằng năm, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ không chỉ tổ chức ra quân thực hiện Tết trồng cây mà còn xây dựng kế hoạch khai thác có hiệu quả tiềm năng lâm nghiệp để phát triển kinh tế – xã hội.

Nửa thế kỷ qua đi, dấu chân Bác không chỉ vẹn nguyên trên đồi Bạch Thạch bạt ngàn màu xanh mà còn in hằn trên mọi nẻo đường Người từng qua. Những người được gặp Bác khi xưa giờ không còn nhiều, nhưng những ký ức về Người sẽ còn mãi, lời Người dặn sẽ tiếp tục lưu truyền, vang vọng trong trái tim của mọi người dân Phú Thọ./.

Tin, ảnh: Hương Giang – Khánh Trang

Các trao đổi mới nhất